Ba mẹ là lá chắn

“Cũng có lúc mẹ con bất đồng quan điểm xảy ra cãi vã. Nhưng rồi mẹ lại từ tốn hòa giải và khuyên dạy tôi nhiều điều hơn” – Nguyễn Thanh Trà My (19 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) tâm sự.

“Mẹ luôn bên tôi”

Trà My là sinh viên ngành kế toán Trường Đại học Văn Lang, tự tin và luôn tìm thấy niềm vui dù cuộc đời phải gắn liền với chiếc chân thép.

“Năm 2021, khi vừa học xong lớp 11, chân tôi liên tục đau nhức và sưng tấy. Lúc đầu, tôi được chẩn đoán viêm xương nhưng sau thời gian điều trị, bệnh tình không thuyên giảm. Gần 1 năm sau đó, tôi được gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), bác sĩ cho biết tôi bị u xương và khối u ác tính đã ăn sâu vào một phần xương. Để giữ tính mạng, tôi phải cắt bỏ một phần chân phải” – Trà My kể.

Từ ngày đó, Trà My phải liên tục điều trị ở bệnh viện, tóc rụng dần, thể trạng cũng yếu nên phải ngồi xe lăn. “Phẫu thuật xong, tôi suy sụp và đau đớn cho cuộc đời mình. Ngôi trường trước đó mà tôi hằng theo đuổi không xem xét cho thí sinh không còn lành lặn như tôi” – Trà My xúc động.

Nguyễn Thanh Trà My ở Trường Đại học Văn Lang. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thời điểm đó, Trà My từng có ý định từ bỏ cuộc đời. Nhờ có mẹ bên cạnh động viên, an ủi, Trà My đã vượt qua sợ hãi. “Cuối năm lớp 12, tôi định dừng lại việc học nhưng nhìn bạn bè vẫn ngày đêm học hành, tôi được tiếp thêm một phần động lực. Rồi thầy cô, bạn bè quan tâm, động viên tôi rất nhiều. Đặc biệt, tôi còn có mẹ luôn bên cạnh nâng đỡ. Những điều đó đã cho tôi ý chí để chiến đấu với bệnh tật và tiếp tục hành trình cuộc đời mình” – Trà My bộc bạch.

Từ nhỏ, mẹ đã luôn bên cạnh Trà My, dịu dàng, ân cần đưa ra những lời khuyên phù hợp để Trà My lựa chọn. Thời gian đầu bầu bạn với chiếc chân thép, Trà My không thể tự đi xe đến trường, mẹ đã dành thời gian đưa đón. Lên đại học, mẹ cũng là người sát cánh cùng Trà My cho đến bây giờ.

Trà My nhớ lại: “Nhớ nhất thời gian tôi và mẹ chờ kết quả và hóa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thuốc rất nóng, người tôi rất đau đớn nên nhiều lần tôi định buông xuôi nhưng mẹ lại vỗ về, nắm chặt tay tôi”.

Luôn tin tưởng, ủng hộ con

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyễn Thị Hường (23 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) là nữ sinh đầu tiên nhận bằng xuất sắc của Học viện Hàng không Việt Nam, được giữ lại làm giảng viên.

Hường nhớ lại: “Năm năm trước, tôi đăng ký học cảnh sát nhưng bị trượt. Sau đó, tôi suy nghĩ nên đi học hay dành 1 năm nữa để thi lại ngành công an, rồi quyết định không học đại học. Tuy nhiên, mẹ tôi không đồng ý.

Mẹ nói đã đặt vé cùng tôi vào TP HCM. Trên đường đi, mẹ khuyên tôi nhiều điều và bảo nên đi học. Tôi quyết định học thử 1 học kỳ, nếu không được thì dừng lại. Hơn 1 năm tại Học viện Hàng không Việt Nam, tôi quyết định tiếp tục theo đuổi. Bây giờ, tôi cảm thấy thật may mắn khi học ngành này”.

Gia đình Hường có 5 anh chị em sống ở vùng ven biển Thanh Hóa. Bố tuổi cao, bị bệnh nên sinh hoạt trong nhà đều do mẹ gồng gánh. Làm việc quần quật từ 5 giờ đến 22 giờ nhưng mẹ Hường chưa bao giờ lơ là việc học của các con, dù nhiều lúc phải đi vay mượn.

“Ở nơi đất khách quê người, có lúc tôi bất lực, khóc rất nhiều, muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại hoàn cảnh gia đình và sự hy sinh của mẹ, tôi dặn lòng phải cố gắng. Ở quê, hàng xóm không nhìn vào hoàn cảnh để đánh giá, họ nhìn sự thành công của con cái để ba mẹ tự hào, nên mọi cố gắng đều xứng đáng. Đôi lúc, tôi nghĩ rằng điều kiện gia đình khó khăn lại là động lực cho tôi” – Hường tâm sự.

Chị em sinh đôi Trần Thanh Minh và Trần Thu Huyền (22 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc) tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Ngoại thương, được vinh danh tốp 20 sinh viên tiêu biểu ở lễ tốt nghiệp sớm. Trước đó, Huyền học ngành thương mại quốc tế, Minh theo chuyên ngành kinh tế đối ngoại.

“Bố tôi là công chức nhà nước, mẹ làm giáo viên. Họ không phải là người chiều chuộng con mà ngược lại rất nghiêm khắc. Từ ngày chập chững đến trường, lần nào gặp cô giáo, mẹ cũng bảo cháu có điều gì làm chưa đúng, chưa tốt, cô cứ phạt thật nghiêm, chắc mẹ làm giáo viên nên hiểu được phần nào tâm thế của người đứng lớp” – Minh cười nói.

Bố mẹ Minh, Huyền luôn tin tưởng vào con cái và ủng hộ mọi quyết định của con, để con tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Học kỳ đầu năm nhất đại học, Minh trượt học bổng nên rất buồn và thất vọng. Tuy nhiên, mẹ lại ân cần khuyên bảo, động viên vẫn còn cơ hội phía trước. “Tôi may mắn vì có người mẹ bao dung và chưa bao giờ đặt nặng thành tích của con. Mỗi lần tôi than phiền với mẹ về thành tích hay không đạt được thành tựu mình muốn, mẹ luôn là người động viên, giúp tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có niềm tin sẽ làm tốt hơn” – Minh trải lòng. 

Mọi thứ rồi sẽ ổn

Huyền cũng cho biết những lúc khó khăn, mẹ luôn là điểm tựa để tìm về: “Mẹ luôn có một câu khi tôi chia sẻ khó khăn là “không sao”. Lúc đầu, tôi khó hiểu vì mình đang cảm thấy rất bế tắc nhưng mẹ vẫn bảo vậy. Sau này, tôi ngẫm ra rằng có những thứ với mình lúc đó là như sụp đổ nhưng ở thời điểm khác là chuyện nhỏ, nên mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, như mẹ tôi nói”.


Anh Vũ