Bấp bênh việc làm

Hay tin mình nằm trong danh sách cắt giảm lao động, chị Mai Thị Trang (SN 1986, quê An Giang), công nhân (CN) Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), không quá lo lắng, bởi chị hiểu được tình hình khó khăn của doanh nghiệp (DN).

Tới đâu hay tới đó

Hơn 10 năm lên TP làm CN, chị Trang quá ngán ngẩm với điệp khúc nhà xưởng – nhà trọ – nhà xưởng. Do vậy, với khoản hỗ trợ hơn 70 triệu đồng từ công ty, chị Trang dự định về quê nghỉ ngơi một thời gian. “Nhiều năm làm CN, lúc ốm đau tôi cũng không dám nghỉ, bởi ngoài mất ngày công, cuối tháng còn mất thêm khoản chuyên cần, với CN 200.000 – 300.000 đồng rất quý. Giờ cũng đã mất việc rồi nên tôi sẽ về quê dành thời gian nhiều hơn cho gia đình” – chị Trang tâm sự.

Chị Trang dự định nghỉ làm vài tháng rồi kiếm công việc thời vụ, vừa có đồng vô đồng ra vừa được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Riêng khoản trợ cấp BHXH một lần chị sẽ để dành phòng khi hữu sự và lo cho con học hành.

Công việc bấp bênh khiến nhiều công nhân không còn quá mặn mà với công việc ổn định lâu dài ở các công ty, xí nghiệp. Ảnh: MAI CHI

  • Gần 1.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động

5 tháng kể từ khi mất việc, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (SN 1987, quê Tiền Giang) vẫn đang chật vật tìm việc làm. Sau khi nghỉ việc ở Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) hồi cuối năm 2022, chị Điệp làm việc cho một cơ sở may gia công ở quận 12 (TP HCM). Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì cơ sở hết đơn hàng và chị lại thất nghiệp. Sau đó, chị chuyển sang làm cho xưởng kem gần nhà song chỉ trụ lại được 1 tháng. Công việc của chị Điệp đang làm là phụ bếp cho một quán ăn gần nhà với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Khi chúng tôi hỏi vì sao nhiều DN tuyển lao động mà không xin vào làm chính thức, chị Điệp trả lời: “Với 15 năm làm việc, tôi sẽ được nhận TCTN ở mức tối đa là 12 tháng. Nhưng nếu làm chính thức thì tôi sẽ không được hưởng khoản tiền này trong khi đó là mồ hôi công sức của tôi. Nói thật, giờ cơ hội việc làm quá bấp bênh, nên tôi cũng sẽ làm thủ tục hưởng BHXH một lần rồi lấy vốn về quê làm ăn”.

Quá ít lựa chọn

Cuối tháng 11-2022, khi đang ở tháng cuối của thai kỳ, chị Võ Thị Nhung – CN một công ty giày da tại TP Thủ Đức, TP HCM – nhận được quyết định không tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) do DN không có đơn hàng. “Dù trước đó đã nghe tin công ty khó khăn nhưng khi cầm quyết định chấm dứt HĐLĐ, tôi vẫn sốc. Trong mấy trăm CN vừa hết hạn HĐLĐ, có nhiều người đang mang thai, nuôi con nhỏ như tôi” – chị Nhung nói.

  • Hơn 3.000 việc làm cho công nhân mất việc

Ở thế đường cùng, chị Nhung phải về tá túc tại nhà cha mẹ ruột ở Thanh Hóa chờ ngày sinh nở. Tháng 12-2022, chị Nhung đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh nhưng nỗi buồn mất việc vẫn chưa vơi. Hai mẹ con chị Nhung sống nhờ khoản trợ cấp thai sản ít ỏi và số tiền chồng đang làm CN ở TP HCM gửi về. Công ty chồng chị cũng lâm vào cảnh thiếu đơn hàng, chỉ làm 3 ngày/tuần nên thu nhập giảm gần phân nửa. Chị cho hay ở quê công việc bấp bênh, vì vậy đợi con cứng cáp sẽ gửi bé cho ông bà ngoại trông giúp rồi trở lại TP tìm việc.

Tình trạng thiếu đơn hàng, ngưng tuyển dụng lao động mới và cắt giảm lao động bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2022 đến nay đã diễn ra tình trạng nhiều CN mất việc không còn quá mặn mà với công việc ổn định lâu dài ở các công ty, xí nghiệp. Thậm chí có một số người lao động quyết tâm nghỉ việc dù có việc làm ổn định chỉ để hưởng TCTN, sau đó nhận BHXH một lần. 

Đơn cử, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Tuyết, CN Công ty TNHH V.S (huyện Củ Chi, TP HCM). Mặc dù tuổi đã ngoài 50, biết nghỉ việc sẽ khó tìm việc nhưng bà Tuyết vẫn quyết định xin nghỉ để hưởng BHXH một lần sau 19 năm đóng BHXH. Nhiều năm qua, bà Tuyết là lao động chính trong gia đình nhưng đồng lương CN eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học nên vướng không ít nợ nần. 

Từ khi nghỉ việc hồi tháng 3-2022 đến nay, bà Tuyết hưởng TCTN và chờ đủ 12 tháng để rút BHXH một lần nên chỉ làm các công việc tạm bợ như phụ quán ăn, giúp việc nhà theo giờ. Việc làm và thu nhập hiện khá bấp bênh nhưng bà Tuyết chấp nhận vì mong mỏi lớn nhất của bà là giải tỏa được áp lực nợ nần đeo bám suốt thời gian dài vừa qua.

Dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ tiếp diễn

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa có báo cáo về kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN). Trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát, có 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Trong đó, ngừng chờ giải thể là 10,9%, tạm ngừng là 12,4%. Chỉ có 13,5% DN cho biết sẽ giữ nguyên quy mô. Ban IV cho rằng đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi 4 tháng đầu năm có 77.000 DN rút khỏi thị trường (tăng 25,1% so với cùng kỳ 2022). Trong số 7.333/9.556 DN còn hoạt động, cơ quan nghiên cứu ghi nhận có đến 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.

Ban IV nhận định có thể làn sóng sa thải lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của DN. Tính theo địa phương, TP HCM có tỉ lệ DN dự kiến giảm trên 50% lao động (chiếm 25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%).

G.Nam


NHÓM PHÓNG VIÊN