Bất ngờ về quan điểm của Bệnh viện Mắt TP HCM

Trước đó, tại phiên xử ngày 28-11, người thực hành quyền công tố đã thay đổi quan điểm về bị hại so với cáo trạng trước đó. Cụ thể, đại diện VKSND cho rằng bị hại trong vụ án là Bệnh viện Mắt TP HCM thay vì hai đối tượng được cáo trạng xác định là Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh.

Thiệt hại từ việc can thiệp đấu thầu được xác định hơn 14,2 tỉ đồng.

Đại diện Bệnh viện Mắt TP HCM cho biết bệnh viện không có cơ sở xác định chính xác số tiền thiệt hại. Do đó, con số thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng là quan điểm của VKSND, bệnh viện không có ý kiến và chờ đợi phán quyết từ tòa án.

Tước tòa, đại diện Bệnh viện Mắt TP HCM xin HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo căn cứ trên những đóng góp của họ đối với xã hội nói chung và bệnh viện nói riêng.

Vị này nói các bị cáo ngồi đây đều là các viên chức, lãnh đạo tài năng, có chuyên môn giỏi, tâm huyết, đã công tác trong ngành hơn 20 năm, có người công tác hơn 30 năm. Họ là những người thầy tâm huyết của bao thế hệ bác sĩ trẻ, đã đào tạo một đội ngũ cộng tác viên khắp các tỉnh thành phía Nam, sang Campuchia.

Các bị cáo tại phiên xét xử

Trước cáo buộc của VKSND, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM Nguyễn Minh Khải thừa nhận khi thêm tiêu chí số 7 “Ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu”, bị cáo đã không đưa ra các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể vào hồ sơ mời thầu cho hội đồng đánh giá hàng mẫu. Đây là thiếu sót của bản thân bị cáo đã dẫn đến sai phạm đấu thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, như nhiều lần trước đó, bị cáo Khải vẫn khẳng định mục đích đưa tiêu chí số 7 vào và thành lập hội đồng đánh giá hàng mẫu gồm 13 bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh viện là lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho người bệnh. Bệnh viện đấu thầu theo “cấu hình mở”, tức đấu thầu rộng rãi trong cả nước, nên có nhiều nhà thầu tham gia, trong khi chưa có quy định nào để chọn sản phẩm tốt nhất. Lúc này, chỉ có bác sĩ mới biết được sản phẩm nào tốt hơn.


Trần Thái