Bụng to, mặt béo bất thường sau dùng thuốc Đông y trị xương khớp

Sáng 18-8, bên lề hội nghị nâng cao năng lực khám chữa bệnh cơ – xương – khớp, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cho biết ông từng tiếp nhận và điều trị cho không ít trường hợp bệnh nhân chữa bệnh xương khớp nhưng lại mắc thêm bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc Đông y trộn lẫn thuốc tây mà không biết.

Trong số này có trường hợp bệnh nhân nữ 51 tuổi, ở Hà Nội đến khám trong tình trạng mặt to tròn, bụng to, mắt sưng, tay chân nhỏ, lông chân, lông tay, ria mép mọc rậm hơn, đi tiểu nhiều… Theo nữ bệnh nhân này, vì bị thoái hóa khớp, đau lưng thường xuyến khiến việc vận động, sinh hoạt hàng này trở nên khó khăn, bà có được người quen giới thiệu và mua giúp một số thuốc Đông y uống để chữa bệnh.

Thuốc đông y bị trộn lẫn tân dược để tăng tác dụng rất nguy hại cho sức khoẻ – Ảnh: SKĐS

Sau 2 tuần uống thuốc, các dấu hiệu đau mỏi đều giảm, bệnh nhân ăn ngon, ngủ ngon hơn nên nghĩ rằng mình tăng cân. Hơn 1 tháng dùng thuốc bệnh nhân xuất hiện tình trạng trên, ai nhìn cũng tưởng tăng cân, béo hơn nhưng cân nặng vẫn thế. Bệnh nhân được thăm khám, chỉ định xét nghiệm và phát hiện bị suy tuyến thượng thận thứ phát do corticoid.

Theo PGS Cảnh, hiện nay nhiều người cho rằng cứ hết đau nghĩa là khỏi bệnh nên khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm giúp giảm đau nhanh để chữa trị mà không biết đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho khớp bị thoái hóa ngày càng nặng lên.

“Hiện nay có nhiều sản phẩm chỉ tập trung giải quyết cơn đau, thậm chí là thuốc đông dược tưởng chừng an toàn nhưng lại trộn lẫn corticoid để che lấp triệu chứng, xua tan cơn đau của người bệnh. Thực tế nhiều người phải chịu tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc đông y trộn chất này”- PGS Cảnh lưu ý.

Theo các bác sĩ, cơ xương khớp là bệnh lý thường gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên người lớn tuổi thường mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp. Hiện bệnh lý cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa mà nguyên nhân do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp, bệnh lý đau quanh khớp vai, đau các điểm bám gân.

Một nguyên nhân nữa là do chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ, uống nhiều rượu, bia. Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh lý về gout hoặc chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính…

Nhiều quảng cáo quá mức về công dụng các bài thuốc gia truyền trên mạng xã hội

PGS Cảnh cũng cho biết thời gian qua có phong trào quảng cáo rầm rộ thuốc Đông y quá mức trên các trang mạng xã hội. Hội Đông y Việt Nam đã tập hợp các thông tin, tư liệu để báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vấn đề này. “Tới đây Hội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý những cơ sở vi phạm quy định hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền”- PGS Cảnh nói.

Lễ kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam diễn ra sáng 18-8 tại Hà Nội, Hội Đông y Việt Nam cho biết cả nước có gần 70.000 hội viên, hơn 11.000 phòng chẩn trị và trung tâm đông y. Hiện nay, hội cùng ngành y tế khám chữa bệnh cho khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến Trung ương.

Theo PGS Đậu Xuân Cảnh, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Hội Đông y Việt Nam đã chia sẻ các phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có mức độ bệnh ở thể nhẹ và trung bình, người bệnh không có triệu chứng và bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục.

Nhân dịp này, Hội Đông y Việt Nam vinh danh 100 Thầy thuốc đông y tiêu biểu.


N.Dung