Cận cảnh “thánh địa” Ozo Park lấn chiếm hơn 3,6ha rừng phòng hộ Phong Nha – Kẻ Bàng

Theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, hiện các lối dẫn vào Khu du lịch sinh thái công viên Ozo Park vẫn còn nguyên hiện trạng rào chắn. Các công trình, hạng mục mà Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage xây dựng vẫn còn nguyên.

Khu du lịch sinh thái OZo Park – được quảng bá là một điểm dã ngoại rộng gần 5 ha, nằm kế bên rừng nguyên sinh thuộc quần thể Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng

Theo quan sát, doanh nghiệp này chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy chấp hành việc tháo dỡ các công trình, hạng mục xây dựng với diện tích hơn 3,6 ha ở rừng phòng hộ Phong nha – Kẻ Bàng đã lấn chiếm.

Nhiều người ví von Ozo Park như là “thánh địa” bất khả xâm phạm vì trong một thời gian dài không bị xử lý. Từ tháng 12-2018, Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage ký hợp đồng thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch. Theo quy định thì Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng buộc phải thực địa để đo phạm vi, ranh giới địa hình và bàn giao cho bên thuê theo như đề án, quy hoạch.

Nhưng “lạ thay”, doanh nghiệp vẫn làm ngoài phạm vi, ranh giới được cấp phép nhưng “chủ rừng” thời điểm đó, ông Lê Thanh Tịnh là Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng lại… không hề hay biết?

Khi Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng “thay tướng”, ông Lê Thanh Tịnh được điều về giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, ông Phạm Hồng Thái được điều động lên thay. Đến tháng 7-2021, Hạt Kiểm lâm VQG đã tổ chức cắm mốc, rà soát, điều tra lại ranh giới thì phát hiện Ozo Park lấn chiếm hơn 3,6ha rừng phòng hộ nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển toàn bộ hồ sơ cho UBND huyện Bố Trạch xử phạt theo đúng thẩm quyền.

UBND huyện Bố Trạch đã ra văn bản yêu cầu trong thời hạn 60 ngày (từ 24-8 đến 24-10), Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình, trả lại nguyên trạng ban đầu diện tích đất rừng phòng hộ lấn chiếm. Dù đã hết thời hạn nhưng phía doanh nghiệp vẫn “chây ì” việc tháo dỡ….

Dưới đây là những hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi lại ở “thánh địa” Ozo Park:

Trước cổng vào Khu du lịch sinh thái công viên Ozo xuất hiện bảng thông báo: “Ozo Park tạm dừng bán vé tại cổng đến ngày 31-10-2022, chỉ nhận khách Booking đặt trước kèm theo SĐT…”

Đi sâu vào trong, xen lẫn dưới tán rừng gáo nguyên sinh mát mẻ là những con đường rải đầy đá

Sàn đạo – con đường bằng gỗ dài hàng trăm mét nối từ ngoài cổng vào các điểm tham quan, xung quanh xuất hiện nhiều chòi gỗ được lợp bằng lá.

Cảnh quan mát mẻ tại rừng Gáo – nơi doanh nghiệp lấn chiếm trái phép để xây dựng khu du lịch

Đường vào một chòi gỗ vẫn còn nguyên, nhưng không thấy bóng dáng của nhân viên hay khách du lịch đến tham quan

Dòng suối Trạ Ang

Bên dòng suối Trạ Ang đục ngầu là cảnh tượng nham nhỡ sau những trận mưa lớn. Một số nhân viên đang sửa chữa, dọn dẹp lại các vật dụng từ bờ này sang bờ kia…

Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp một căn chòi gỗ, được lợp bằng lá dưới tán rừng – nơi mà doanh nghiệp dùng làm điểm nghỉ chân cho du khách

Tiến sâu vào trong để ghi hình những hạng mục xây dựng trái phép ở diện tích lấn chiếm, chúng tôi bị nhân viên cản lại, không cho tiếp cận vì lý do đang sửa chữa, chưa mở cửa đón khách

Đường đến cầu Khỉ – một điểm check in nổi tiếng thu hút nhiều du khách – được xây trên khu vực rừng phòng hộ lấn chiếm

Hai nhà chòi vẫn còn nguyên nhưng trông rất vắng vẻ

Tháng 4-2019, khu du lịch sinh thái công viên Ozo Park chính thức đi vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch. Nơi này được quảng bá là một điểm dã ngoại rộng gần 5ha; với nhiều điểm tham quan, checkin, như: Sàn đạo đi bộ 999m, trượt zipline, tắm suối Ozo, chèo thuyền Kayak/SUP-ing, nhà hàng Rừng Xanh… với sức chứa lên tới 1.000 người.

3 chòi được dựng ngay cạnh bãi đổ xe…

Bảng chỉ dẫn vào Khu du lịch Ozo…

Đường vào Ozo Park

Bãi đổ xe rộng hơn 2.000m2 bị Công ty Phong Nha Heritage lấn chiếm, trưng dụng trái phép trên đất rừng phòng hộ

Mùa hè, khách đổ về tắm mát ở dòng suối Trạ Ang, doanh nghiệp đặt tên là Ozo – ảnh Internet

Nhiều người dân ở thị trấn Phong Nha cho biết đến mùa cao điểm du lịch, khách tham quan đổ về Ozo Park rất đông đúc, nhiều lúc xe đậu chật kín cả sân bãi. Tuy nhiên, việc rừng phòng hộ đang “nhường chỗ” cho những hoạt động lấn chiếm đất trái phép, xây dựng lam nham như vậy là một sự lãng phí quá lớn, có thể hủy hoại thiên nhiên – ảnh Internet

Như Báo Người Lao Động liên tục phản ánh, tháng 12-2018, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án cho Công ty Phong Nha Heritage thuê môi trường rừng với diện tích 4,65 ha tại khu vực rừng gáo – hang Ô Rô để kinh doanh du lịch sinh thái ở khoảnh 1, tiểu khu 253 thuộc lâm phận rừng phòng hộ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa bàn xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Tháng 4-2019, Khu Du lịch sinh thái Công viên Ozo Park chính thức đi vào hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch.

Đến tháng 7-2021, Hạt Kiểm lâm VQG xác định Phong Nha Heritage đã lấn chiếm hơn 3,6 ha đất rừng phòng hộ để xây dựng 16 công trình bằng gỗ dưới tán rừng. Đơn vị này đã chuyển hồ sơ vi phạm đến UBND huyện Bố Trạch để xử phạt theo thẩm quyền.

Các công trình này, gồm: khu nhà điều hành trò chơi, nhà check in, nhà bếp, 2 nhà vệ sinh, 11 chòi; xây dựng đường đi xe đạp địa hình được thi công bằng biện pháp rải đá, đổ bê tông dưới tán rừng; xây dựng sàn đi bộ bằng gỗ dưới tán rừng.


HOÀNG PHÚC