Qua thời đoạn, chiếc đèn dầu ám đầy muội khói vẫn còn đó trong ngăn ký ức mỗi người dẫu đã vào tuổi nhớ nhớ quên quên. Ngọn đèn hiu hắt như còn cháy mãi, thắp sáng dẫn dắt ta về với năm tháng nhọc nhằn.
Thời chưa có điện kéo qua xã, nhà nghèo thì một, hai cây đèn dầu, thường là đèn hột vịt vì loại này rẻ và hơn hết ít tốn nhiên liệu. Nhà khá giả thì có đến năm, bảy cây và không thể thiếu đèn lớn. Ngày làm không hết việc, tối đến mọi hoạt động từ giê lúa, ủ giống, giã chuối cho heo, ăn cơm… dưới ánh đèn dầu leo lét.
Chập choạng tối, trước khi thắp đèn, phải vệ sinh bóng đèn cho sạch muội khói bám để đèn sáng hơn; đồng thời châm thêm dầu, kiểm tra tim còn dài hay ngắn. Làm công việc đó không ai khác ngoài những đứa trẻ trong nhà, kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Những hôm mưa gió hoặc cũng có khi quên mua dầu lửa phải sang mượn nhà hàng xóm. Cũng như lúc nhà hết gạo là xách thau đi mượn, hàng xóm rộng lòng lắm, sẵn sàng cho mượn xị dầu lửa, viên đá quẹt hay chút dầu ăn… mà không toan tính. “Tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn” có nhau là vậy.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Những năm sau ngày đất nước thống nhất, ba làm đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã; ngày chấm công, đêm về chong đèn làm sổ sách để tới mùa, biết đường đong lúa cho bà con xã viên. Anh chị tôi cũng tranh thủ ngồi vào bàn học ké ánh đèn ba đang làm việc, cũng là để tiết kiệm dầu. Đêm họp đội, nghe tiếng kẻng báo là tôi nhảy cẫng lên vì được lon ton theo ba ra sân kho để họp. Ba xách đèn, loại có giá xách. Tôi được ba cho xách đèn đi trước, cảm giác sung sướng lắm. Từ các ngả đường, nhiều ánh đèn leo lét như cục than cháy đỏ từ xa mỗi lúc một gần hơn. Ra đến nơi họp, trước mắt là hàng chục cây đèn đặt trước mỗi nhóm người, những đêm đó với trẻ con chúng tôi là đêm hội lung linh ánh sáng.
Bây giờ, mỗi lần về quê, ra đường vào ban đêm, thi thoảng bắt gặp chiếc đèn dầu ở các quán ăn vặt như trứng vịt lộn, ốc luộc, bắp nướng, khô nướng… Người quê quen tầm mắt, từ xa thấy đèn thắp sáng là có thể xác định vị trí của hàng gì. Chuyến xe đêm về qua thị trấn, chỉ còn vài cây số nữa là tới nhà nhưng thấy đèn hột vịt từ xa là bụng dạ bồn chồn, nôn nao được về nhà.
Dù hàng trứng vịt lộn nằm dưới đèn đường sáng quắc vậy mà chủ quán vẫn thắp đèn hột vịt. Tôi cố tình thắc mắc, chị chủ giải thích: “Từ thời mẹ tôi bán đã vậy, không có đèn hột vịt thấy thiếu thiếu, cảm giác sẽ vắng khách. Sau này có người bán bắp, ốc cũng thắp đèn dầu chứ trước giờ, chưng đèn hột vịt thì chỉ có bán trứng vịt lộn, không lẫn vào đâu được”.
Những năm đó, để tiết kiệm, nhà nào cũng trữ trái gòn khô dành làm ruột gối, phần để se tim đèn hay tim quẹt. Se tim đèn coi bộ không dễ, nhỏ quá cũng không được mà lớn quá cũng không xong. Se thế nào tim cháy chậm, ít tốn dầu mà không nhiều muội khói thì thuộc dạng có nghề, không phải ai cũng làm được.
Cao điểm vụ mùa, ngày làm chưa xong việc phải chong đèn làm đêm. Đèn đặt trên chiếc ghế đẩu cao để ánh sáng tỏa rộng và xa hơn. Xong đâu vào đó, chiếc đèn hột vịt được chuyển vào thềm cho bữa cơm muộn. Đèn được đặt ở một góc mâm, ưu tiên ánh sáng cho trẻ. Chị em vào bàn học cũng với cây đèn đó.
Một số gia đình nông thôn hiện nay nhà cửa khang trang hơn, bàn thờ tổ tiên cũng được lắp đèn điện nhiều màu sắc nhưng vẫn thắp đèn dầu ngày rằm hay đầu tháng, giỗ chạp và đặc biệt là Tết. Thấy đèn hột vịt, đám con cháu ở thành phố về chơi cứ trố mắt nhìn như đang ở một thế giới nào đó xa lạ, thích thú ngồi bệt quan sát người lớn lau chùi bóng đèn, khêu tim, xỏ tim, đốt đèn… Có thể bọn chúng chưa hình dung được tháng ngày gian khó nhưng mai này sẽ hiểu và cảm thương một đời nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ. Ở không gian đó, ánh đèn dầu gợi nhớ những câu chuyện của ngày cũ đã từng nghe, từng trải qua và lần giở từng hồi. Nào là chuyện buồn vui lớp bình dân học vụ, chuyện đốt đèn tiễn người đi, chong đèn đợi người về, chuyện học bài từ ánh đèn dầu….
Cúp điện, bọn trẻ nhăn nhó vì nóng. Tôi thì có được những phút giây hoài niệm quá khứ rồi nghĩ giá như ngay lúc này có cây đèn dầu thắp lên đặt giữa nhà, ánh sáng nhá nhem ấy đủ cho tôi nhận ra khoảng tối – sáng, dù chẳng muốn thời thắp đèn dầu trở lại.