Chè Lâm Đồng xuất khẩu Pakistan và Afghanistan không nhuộm hóa chất

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, tính đến năm 2022, tỉnh có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm, 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm.

Nông dân Lâm Đồng thu hái chè. Ảnh minh họa: N.Thành

Ngành chè Lâm Đồng chủ yếu tập trung tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh. Sản lượng chè xuất khẩu năm 2022 gần 4,7 ngàn tấn, ước đạt giá trị hơn 11,5 triệu USD.

Sản lượng chè xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,2 ngàn tấn, ước đạt giá trị 5,3 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính của chè bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Pakistan và Afghanistan.

Vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nhiệm Afghanistan) có công điện về việc ngày 9-5, Chính phủ Afghanistan đã thông báo trên truyền hình về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu các loại chè của Việt Nam có sử dụng hóa chất nhuộm chè.

  • Lâm Đồng nghiêm cấm sử dụng hóa chất để nhuộm chè

Các doanh nghiệp nhập khẩu chè Pakistan đã cảnh báo việc sử dụng hóa chất nhuộm chè đến Hiệp hội Chè Pakistan và Hải quan Pakistan. Các cơ quan hữu quan của Pakistan đang nghiên cứu siết chặt các thủ tục kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra, 5 doanh nghiệp xuất khẩu chè của tỉnh sang Pakistan và Afghanistan không sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến.

Từ năm 2022 đến nay, không có doanh nghiệp nào có lô chè xuất khẩu bị trả lại, có thể hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu chè đảm bảo các điều kiện, tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường Pakistan và Afghanistan.

Do đó, Sở đề xuất UBND tỉnh chưa thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè của doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa việc sử dụng hoá chất trong chế biến chè cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Pakistan và Afghanistan.


Trường Nguyên