Chiều hướng tăng, mức độ giảm

Trước thềm năm mới 2023, nhiều dấu hiệu cho thấy định hướng chính sách lãi suất của FED cho thời gian tới là tiếp tục nâng mặt bằng lãi suất cơ bản nhưng với mức độ thấp hơn so với mấy lần trước đó.

Nói theo cách khác, trong thời gian tới, thậm chí không loại trừ ở ngay phiên họp cuối cùng trong năm nay, Hội đồng Thống đốc FED sẽ tiếp tục rất linh hoạt trong vận hành chính sách tiền tệ nói chung và trong điều chỉnh chính sách lãi suất nói riêng. FED sẽ nhiều lần nâng lãi suất cơ bản nhưng mức tăng chắc chỉ là 0,25 hoặc 0,5 điểm phần trăm.

Nguyên nhân nằm ở nhìn nhận của FED về tiến triển trong việc chống lạm phát. Mục tiêu và sứ mệnh tồn tại của FED là giữ cho tỉ lệ lạm phát không được cao hơn 2% ở Mỹ. Con số này hiện cao gần gấp 4 lần chỉ số mục tiêu của FED. Có thể thấy được qua đó là FED còn cần thời gian và nhiều lần nâng lãi suất cơ bản nữa mới có thể hạ tỉ lệ lạm phát xuống dưới mức 2%.

Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại Viện Brookings (Mỹ) hôm 30-11Ảnh: Bloomberg

Trong kinh tế, lãi suất tiền tệ như con dao hai lưỡi. Nó là công cụ đắc dụng nhất của ngân hàng trung ương trong chống lạm phát. Nâng lãi suất tiền tệ thì tỉ lệ lạm phát giảm. Nhưng lãi suất cao kìm hãm tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn có thể đẩy kinh tế đi vào suy thoái.

Vì vậy, chống lạm phát thành công mà không kìm hãm tăng trưởng kinh tế luôn là bài toán nan giải nhất đối với ngân hàng trung ương ở các nơi, là thách thức thường trực đối với các ngân hàng này. Ổn định giá trị đồng tiền mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là thước đo thành công của các ngân hàng trung ương trong vận hành chính sách tiền tệ.

Tỉ lệ lạm phát rất cao ở Mỹ đã buộc FED phải hành động rất quyết liệt. Cơ quan này luôn cần cảm nhận và hình ảnh là họ luôn kiểm soát được tình hình tiền tệ và lạm phát để duy trì lòng tin của giới kinh tế, tài chính và người dân. FED bây giờ theo đuổi chính sách “lãi suất cơ bản tiếp tục chiều hướng tăng nhưng mức độ tăng trong những lần điều chỉnh sắp tới của FED giảm” bởi 2 nhận thức mới.

Thứ nhất, tỉ lệ lạm phát ở Mỹ tuy đã giảm nhưng hiện vẫn ở mặt bằng rất cao, buộc FED vẫn phải tiếp tục chính sách tăng lãi suất cơ bản thêm một thời gian nữa.

Thứ hai, áp lực từ tỉ lệ lạm phát cao hiện không còn lớn đối với FED như cách đây hơn nửa năm nên FED không cần phải hành động ứng phó quyết liệt như trước nữa. Chủ tịch FED, ông Jerome Power, đã cho thấy cả 2 điều này trong bài phát biểu tại Viện Brookings (Mỹ) ngày 30-11 vừa qua.

Mặt bằng lãi suất cao giúp kiềm chế lạm phát nhưng trong thời gian mặt bằng lãi suất cao thì tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn. Vì thế, từ định hướng chính sách lãi suất của FED cho thời gian tới có thể dự báo tỉ lệ lạm phát ở Mỹ sẽ giảm nhưng tăng trưởng kinh tế của Mỹ chưa thể tăng cao hơn được so với hiện tại.

Rõ ràng là FED dành ưu tiên cao hơn cho chuyện chống lạm phát trong ý thức rằng tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng đồng thời tin rằng kinh tế Mỹ không bị sa vào suy thoái.

Thực tế có đúng như toan tính của FED hay không thì phải đợi hạ hồi phân giải.


Ngải Sa