Chính phủ nói về đánh thuế lũy tiến với người mua nhà ở thứ hai

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự

Chính phủ cho biết đến nay đã có hơn 12,1 triệu lượt ý kiến, các nội dung được nhân dân quan tâm tập trung góp ý gồm: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với hơn 1,2 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1,06 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với 1,03 triệu lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với hơn 1 triệu lượt ý kiến và các nội dung khác.

Có ý kiến đề nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua “nhà ở thứ hai trở lên” và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí (càng ở khu vực, thành phố trung tâm phụ phí càng cao) để hạn chế đầu cơ đất, giữ đất, hạn chế tình trạng “nhà/đất không sử dụng”.

Cơ quan soạn thảo cho biết Nghị quyết 18-NQ/TW đã khẳng định “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.

Thể chế quan điểm trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung khoản thu từ “tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ”.

Tuy nhiên, quy định cụ thể về mức thuế suất phải được quy định tại pháp luật về thuế. Cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Thuế nghiên cứu, rà soát cho phù hợp.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, có ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội đề nghị phải có quy định thu hồi đất đối với trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được 70-80% diện tích cũng như nghiên cứu quy định về thực hiện quyền lực của nhà nước trong vấn đề thu hồi đất. Chẳng hạn, khi triển khai một dự án, nếu đạt đến tỷ lệ % nào đó (cần quy định cụ thể) người dân đồng thuận, ủng hộ bàn giao mặt bằng thì dứt khoát phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với số ít không đồng thuận còn lại. Điều này bảo đảm cho việc thực hiện lợi ích chung, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật, vì việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự. Nếu nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được thì phải lập lại quy trình từ đầu (thông báo thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất,….).

“Mặt khác, thực hiện như vậy sẽ dẫn tới việc so bì giữa người bị thu hồi đất và người đã thỏa thuận nên dễ dẫn tới khiếu kiện. Để đảm bảo việc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thành công, nhà đầu tư cần phải tính toán về quy mô, địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp”- Chính phủ lí giải.

Có cấp giấy chứng nhận cho nhà siêu mỏng, siêu méo?

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm trường hợp “không đảm bảo điều kiện diện tích đất tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định” vào các trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận tại Điều 144 của dự thảo Luật nhằm tránh các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.

Cơ quan soạn thảo cho rằng theo quy định tại Điều 142 của dự thảo Luật thì “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Việc quy định bổ sung như ý kiến đề xuất sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người có thửa đất nhỏ hơn diện tích tách thửa tối thiểu trước đây. Mặt khác, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định không cho phép tách thửa đất thành hai hay nhiều thửa có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng các thửa đất nhỏ được hình thành từ trước khi có quy định về diện tích tách thửa tối thiểu và tránh trùng lặp trong dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật.


Văn Duẩn