Chủ tịch Trung Quốc sắp gặp Tổng thống Nga tại Indonesia

Đó là tiết lộ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Trong khi đó, Nga hiện xếp thứ 3 trong danh sách các quốc gia ngoài Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ cho các khoản thanh toán toàn cầu, động thái cho thấy Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga vốn không có tên trong danh sách nói trên – do hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT công bố – trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2. Các số liệu được đưa ra hôm 18-8 cho thấy Hồng Kông (Trung Quốc) và Anh đang dẫn trước Nga trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ cho các khoản thanh toán toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối năm nay. Ảnh: Reuters

Hồng Kông vẫn là nguồn giao dịch nhân dân tệ hàng đầu bên ngoài Trung Quốc với 73,8% tổng số giao dịch, tiếp theo là Anh, chiếm 6,4% trong tổng số giao dịch.

Các công ty và ngân hàng Nga đã thực hiện gần 4% các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ quốc tế tính theo giá trị trong tháng 7, theo SWIFT. Con số này đã tăng so với mức 1,42% của tháng trước và từ con số 0 vào tháng 2 khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt.

Theo hãng tin Reuters, việc Nga đột ngột tăng hạng trong danh sách này càng củng cố lập luận cho rằng các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng và loại nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD. Điều này cũng được cho là sẽ giúp đưa Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn.

Bên cạnh tác động đến lĩnh vực tài chính, hàng trăm công ty phương Tây tên tuổi đã rút khỏi hoặc cắt giảm mạnh hoạt động của họ tại Nga. Dữ liệu SWIFT mới nhất cũng cho thấy đồng rúp không còn nằm trong số 20 loại tiền tệ hàng đầu toàn cầu được sử dụng trên thị trường thanh toán quốc tế.

4 vị trí hàng đầu trong danh sách đó được nắm giữ bởi đồng USD, Euro, bảng Anh và yen Nhật, tiếp theo là nhân dân tệ ở vị trí thứ 5. Vào tháng 12 năm ngoái, đồng rúp xếp ở vị trí thứ 16, chiếm 0,3% thị phần về giá trị giao dịch và “bốc hơi” khỏi danh sách sau đó.


Xuân Mai