Cơ duyên đặc biệt hơn 30 năm với đàn đá

Cuối năm 1978, ông Nguyễn Phương Đông tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống – Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), được phân công về Nha Trang làm nhạc công Đoàn Ca múa nhân dân Phú Khánh.

Theo ông Đông, khoảng năm 1979, Khánh Hòa phát hiện 2 bộ đàn đá Khánh Sơn. “Tôi là một trong những người đầu tiên được phân công tập, biểu diễn đàn đá để báo cáo Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)” – ông Đông cho hay. Đến thập niên 1990, tỉnh Khánh Hòa thành lập Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, ông Đông được cử làm phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật.

“Đó là do cái duyên, cũng là trách nhiệm khi tôi xung phong tìm kiếm đá để làm bộ đàn cho đoàn biểu diễn, bởi bộ đàn đá Khánh Sơn phát hiện năm 1979 đã được mang đi nghiên cứu. Từ đó, tôi quan tâm đến việc làm đàn đá đến giờ” – ông Đông nhớ lại.

Ông Nguyễn Phương Đông có cơ duyên đặc biệt với đàn đá

Theo các tài liệu, hai loại đá Rhyolit Porphyre và đá sừng (đá đen) có thể làm đàn đá đều có nguồn gốc từ nham thạch phun trào. Khi có vật thể tác động thì chúng phát ra tiếng kêu vang như chuông. Những miếng đá càng dài, nặng thì âm thanh càng trầm; càng ngắn, mỏng thì âm thanh càng cao, trong trẻo.

Ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và một số vùng phụ cận, 2 loại đá kêu này không nhiều. Theo ông Nguyễn Phương Đông, những năm đầu tìm kiếm, ông vào tận Ninh Thuận rồi ra cả Phú Yên nhưng cũng không thấy 2 loại đá đó. Lúc nản lòng, tưởng như đã thất bại thì ông được “trời thương”, tìm thấy nguồn đá rồi bắt đầu công việc chế tác.

“Ngoài 2 loại đá này, tôi còn phát hiện một loại có thể làm đàn, chưa biết gọi tên là gì nhưng có thể xem là đá granit đặc biệt. Có thể nói Khánh Hòa là trung tâm của loại đá granit đặc biệt này để chế tác đàn đá” – ông Đông cho biết. Giờ đây, ngồi tại nhà, ông có thể gọi điện đặt hàng, nhờ người vận chuyển đá đến nơi. Chi phí mỗi tảng đá được vận chuyển tận nơi khoảng 1 triệu đồng.

Năm 2018, ông Đông mở một xưởng chế tác trong Làng nghề Trường Sơn ở Cụm Công nghiệp Diên Phú (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Ban đầu, việc làm đàn đá chỉ để ông thoả mãn đam mê. Sau đó, nhiều đồng nghiệp hỏi mua, ông mới làm đàn đá bán. Đến nay, ông đã sản xuất gần 100 bộ đàn đá.

Chỉ riêng năm 2022, ông Đông đã làm được 15 bộ đàn đá, phần lớn đơn đặt hàng đều từ TP HCM. Năm trước, với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, huyện Khánh Sơn đã đặt ông chế tác 10 bộ đàn đá.

Công đoạn chế tác đàn đá

Theo ông Nguyễn Phương Đông, quá trình chế tác đàn đá chia thành 5 công đoạn: Xác định độ vang và âm vực của khối đá; tìm thớ để tách ra từng thanh đá; đục thô để kiểm tra âm thanh; chỉnh tinh để định vị nốt; dùng máy đưa đá về nguyên trạng ban đầu. “Các công đoạn nghe đơn giản nhưng người thợ phải tích lũy đủ kinh nghiệm mới làm ra một thanh đàn đúng tiêu chuẩn” – ông khẳng định.

Người thợ sẽ mài thô thanh đá để xóa bớt các cạnh sắc nhọn sau khi đục đẽo. Việc này giảm bớt thời gian cho công đoạn cuối cùng khi làm đàn. Sau đó, ông Đông ký hiệu nốt nhạc cho người thợ không biết về nhạc lý dễ hiểu khi chế tác. Theo ông, việc đào tạo về chế tác đàn đá khó hơn biểu diễn, vì người làm đàn phải có hiểu biết về âm nhạc. Người thợ đo cao độ của thanh đá bằng thiết bị chuyên dụng. Dựa vào cao độ thanh đá, thợ sẽ chỉnh âm thanh cho phù hợp…

Đo độ vang của đá

Ông Đông mua máy trộn bê tông, rồi tự chế thêm các thanh sắt cố định bên trong. Những thanh đá sẽ được bỏ vào xoay, để đưa mặt đá về nguyên hiện trạng ban đầu. Đây cũng là công đoạn cuối cùng tạo ra những thanh đàn đá hoàn chỉnh. Ông Đông thử âm thanh bộ đàn đá được lấy ý tưởng từ bộ bảo vật quốc gia, gồm 14 thanh tương ứng 14 nốt.

Anh Phan Hữu Quân, một công nhân tại xưởng đàn đá, cho biết công việc dù khó khăn nhưng với tinh thần, ý nghĩa mà ông Đông truyền tải, anh cảm thấy rất tự hào vì góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những phiến đá vô tri vô giác được thổi hồn thành nhạc cụ

Nghệ nhân Nguyễn Phương Đông hy vọng trong tương lai có thể in thành sách tất cả những kiến thức về đàn đá, từ nghệ thuật biểu biểu diễn đến chế tạo đàn, thành hệ thống bài bản để nhữngngười có nhu cầu có thể tiếp cận, học hỏi.

Clip: Ông Nguyễn Phương Đông và xưởng chế tác đàn đá


Bài, ảnh: Kỳ Nam