Coi chừng “bay màu” tài khoản ngân hàng trong ngày Tết

Mới đây, anh Hoàng Anh D. (SN 1990, ngụ quận 4, TP HCM) phải ngậm đắng nuốt cay khi bị mất 120 triệu đồng do tin vào một đối tượng quen qua mạng. 
Ban đầu, đối tượng chủ động kết bạn facebook rồi trò chuyện. Do thấy hình đối tượng đăng facebook “check-in” những điểm du lịch sang chảnh và luôn đứng cạnh xe hơi đắt tiền nên anh D. không nghi ngờ. 

Nói chuyện được một thời gian, đối tượng chỉ cách cho anh D. “làm giàu” bằng việc mua đơn hàng trên các trang thương mại điện tử.

Ham số tiền nhỏ

“Công việc rất là nhẹ nhàng, ban đầu chỉ cần mua đơn hàng 2 triệu đồng, không làm gì đến chiều tôi vẫn được hoàn lại 2 triệu đồng kèm theo 300.000 đồng tiền công. Cứ thế số tiền mua hàng cứ tăng lên và tôi vẫn được trả đủ công mua.
Đến khi đơn hàng lên 120 triệu đồng, tôi mua xong đến chiều, đến mai và đến hết tuần vẫn không được trả lại tiền như mọi khi. Tôi liên lạc thì đối tượng chặn facebook, điện thoại cũng không gọi được. Biết bị lừa nên tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt, kể với bạn bè sợ bị chửi ngu và tham nên tôi không biết nói cùng ai” – anh D. tâm sự.

Có chiêu lừa rất cũ nhưng vẫn được nhiều đối tượng cả người Việt Nam và nước ngoài giăng bẫy các phụ nữ Việt để chiếm đoạt tài sản.

Người dân cẩn thận khi cung cấp tài khoản ngân hàng cho người lạ

Thông qua một nhóm dành cho phụ nữ đơn thân, chị Ngọc B. (SN 1970) tâm sự: “Đối tượng chủ động kết bạn rồi tâm sự với tôi trên mạng. Sau một thời gian nói chuyện, anh ta giới thiệu là kỹ sư người Anh rồi nói sẽ đến Việt Nam kết hôn với tôi, sống cuộc đời còn lại và cùng nhau rong chơi khắp nơi. Ngỡ như gặp được người tâm đầu ý hợp, tôi tin tưởng kể cho anh ta nghe những kế hoạch, dự định của mình. 

Bất ngờ, một ngày cuối tuần anh ta hứa sẽ chuyển cho tôi hơn 100.000 USD để mua nhà và bay đến Việt Nam gặp tôi vào tuần tới. Sau đó, có người xưng là nhân viên công ty chuyển tiền, nói tôi phải nộp số tiền hơn 100 triệu đồng để được nhận tiền.
Tin tưởng, tôi chuyển vào tài khoản chỉ định. Sau đó các đối tượng vẽ ra tôi phải nộp phí này, phí nọ. Tôi chuyển hơn 300 triệu đồng thì các đối tượng lặn mất tăm, người tình ngoại quốc cũng chặn facebook. Biết bị lừa nên tôi đi báo công an”.

Khi chị B. đăng dòng tâm sự thì nhiều người cũng vào an ủi và thừa nhận bản thân cũng từng là nạn nhân của bẫy tình ngoại quốc.

Cẩn thận với SIM điện thoại

Công an TP HCM khuyến cáo trong thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao thường thực hiện thủ đoạn giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử… để hỗ trợ giải quyết sự cố.

Những tội phạm này sẽ yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*# hoặc DS gửi 901. Đây là những mưu mẹo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward), mà dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng.

Công an TP HCM trích xuất dữ liệu một vụ lừa đảo qua mạng

Từ việc nạn nhân nhắn cú pháp, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví MoMo của họ từ xa. Tổng đài MoMo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này sẽ chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng rồi tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví bị chiếm đoạt.

Đối với cú pháp DS gửi 901 là cú pháp đổi SIM điện thoại qua phôi SIM trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Với lời dụ dỗ rằng sẽ giúp người dùng nâng cấp SIM điện thoại thành SIM 4G, 5G, kẻ xấu yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên.

Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM. SIM của đối tượng lừa đảo trở thành SIM “chính chủ”, dễ dàng truy cập vào các ứng dụng ví điện tử, ứng dựng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Công an TP HCM khuyến cáo để bảo vệ tài sản của chính mình, người dân không thực hiện các yêu cầu trên, không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng.

Ngoài ra, không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP). Đồng thời, luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, các đối tượng thường giả danh công an, VKS gọi điện hù dọa người dân bị “dính” vào các băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia, tội phạm ma túy hoặc bị phạt nguội do vi phạm giao thông.
Các đối tượng sẽ làm giả lệnh bắt có con dấu, chữ ký (giả con dấu, giả chữ ký của lãnh đạo công an, VKS) để gửi qua zalo, facebook cho nạn nhân. Sau đó các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP để xác minh rồi chiếm đoạt tài khoản.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân không nghe và trả lời những cuộc gọi lạ, những cuộc gọi mang tính chất hù dọa, tống tiền. Công an và VKS nếu có làm việc sẽ mời người dân bằng giấy mời, sẽ làm việc tại trụ sở. Các cơ quan công quyền không làm việc, xác minh qua điện thoại cũng như không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng.
Người dân cũng cảnh giác đối với những cuộc gọi xưng là nhân viên ngân hàng đề nghị hỗ trợ khoản vay, hỗ trợ bảo mật thẻ tín dụng vì các đối tượng sẽ dẫn dắt, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Cẩn thận với tin nhắn qua facebook, zalo

Một chiêu lừa khác đó là chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè để mượn tiền hoặc chuyển tiền do cần việc gấp. Rất nhiều người bị nhắn tin qua facebook yêu cầu cha mẹ, người thân chuyển tiền. Do không xác minh kỹ nên cha mẹ, ông bà tưởng con em mình đang cần tiền nên chuyển số tiền lớn.

Công an TP HCM yêu cầu người dân phải cảnh giác, khi nhận được tin nhắn qua facebook yêu cầu chuyển tiền phải gọi điện cho chính người gởi tin để xác minh vì rất có thể họ bị chiếm đoạt tài khoản facebook để lừa đảo.


Bài và ảnh: PHẠM DŨNG