Coi chừng mất “bí kíp” trồng sầu riêng rải vụ vào tay nhà vườn Thái Lan

Đó là cảnh báo được ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đưa ra tại diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản – thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” do Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 10-12.

Theo ông Tùng, chỉ sau 2 tháng, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã đạt kim ngạch hơn 300 triệu USD (khoảng hơn 7.000 tỉ đồng). Vì vậy, việc mặt hàng này thu về 1 – 2 tỉ USD/năm là không khó khi Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu sầu riêng lên tới 4-5 tỉ USD.

Sầu riêng là loại quả có thể đưa về doanh thu hàng tỉ USD/năm

“Lợi thế của sầu riêng Việt Nam là trồng rải vụ, thu hoạch quanh năm trong khi sầu riêng Thái Lan chỉ có 1 mùa. Hiện nay, có nhiều đoàn khách Thái Lan đến tận vùng trồng sầu riêng Việt Nam để tham quan – rất dễ dẫn đến nguy cơ lộ thông tin về kỹ thuật trồng rải vụ. Bà con nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải đồng lòng ra sức bảo vệ kỹ thuật, thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam” – ông Tùng cảnh báo.

Theo ông Tùng, Việt Nam đã có bài học lớn từ trái thanh long ruột trắng ở thị trường Mỹ. Thanh long được xuất khẩu sang Mỹ từ 2008 với nhiều công sức gầy dựng nhưng từ 2019 đến nay thì gần như mất thị trường vì Mexico và Florida (Mỹ) cũng trồng được thanh long quanh năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng (bìa trái) dự diễn đàn tại đầu cầu TP HCM

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An – Mỹ Bình (Long An), cho biết ông cũng vừa có chuyến thăm Thái Lan và nhận thấy kỹ thuật canh tác trồng sầu riêng của nước này chưa bằng Việt Nam nhưng khâu thương mại tốt hơn. 

“Họ đang tìm kỹ thuật trồng sầu riêng rải vụ để cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam. Chúng ta nên giữ “bí kíp” để giành lợi thế” – ông Huy nhìn nhận.

Liên quan mặt hàng sầu riêng, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số nơi ưu tiên doanh nghiệp địa phương trong việc cấp mã số vùng trồng. Điều này là không nên vì doanh nghiệp lớn cần có vùng nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành để có hàng quanh năm. 

Ông Sinh kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm đàm phán mở cửa thêm sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc để đa dạng hóa mặt hàng.


Tin- ảnh: Ngọc Ánh