CUỘC THI VIẾT “HƯƠNG VỊ TẾT”: Thèm lắm nồi lẩu gà lá é má nấu

Lẩu gà lá é là món truyền thống của nhà tôi ngày Tết. Tết mà cứ quanh quẩn cùng bánh tét, củ kiệu, măng hầm mỗi ngày thì ai cũng ngán. Cho nên, món lẩu gà lá é nóng hổi, ngọt thanh từ tay má nấu ngon không thể tả. Đó cũng là món mà mỗi người trong gia đình tôi đều chờ đợi, như chờ đợi từng mùa xuân.

Cứ tầm 27 Tết, ba ra chợ mua gà và lá é. Có hai loại lá é là é trắng và é quế, nếu ai không tinh tường thì rất dễ mua nhầm hai loại tuy cùng họ nhưng khác loài này. Ở Nha Trang, lá é trắng mùa Tết rất nhiều người lùng mua. Tất cà cũng vì nồi lẩu gà lá é – món ăn trở thành “biểu tượng” của người dân xứ biển này.

Ngày anh em chúng tôi còn nhỏ, má thường nói rằng chẳng có món ăn nào mà lá é lại tham gia tất cả các công đoạn như lẩu gà. Những chiếc lá é xanh xanh, thơm dịu và the the được giã nhuyễn để làm chén muối é khô dùng nêm nếm nồi nước lẩu và để ướp gà. Chén nước chấm có chanh, ớt, tí muối, bột ngọt được giã nhuyễn cùng lá é có thể “đánh gục” tiết trời se lạnh ngày Tết vì vị thơm tho, chua chua và cay the của nó. 

Má còn nói rằng ngày còn cơ cực, ba má nhiều lúc phải ăn cơm trắng với chén muối é khô, nhường từng con cá cho đàn con. Những chiếc lá é cay cay và mang nhiều kỷ niệm đã đi cùng phần đời cơ cực của ba má đến bây giờ.

Ba vừa chặt gà vừa “chia sẻ” bí quyết nấu lẩu gà lá é của “người Nha Trang”. Đã là người dân xứ biển yên bình này thì không ai lại chẳng biết chai nước khoáng Đảnh Thạnh. Một loại nước khoáng địa phương không vị, có ga mà người dân Nha Trang vừa giải khát vừa dùng để “ợ” hơi đầy sảng khoái sau khi ăn no. Chính chai nước “huyền thoại” này lại vô tình là bí quyết khi được nhiều người dùng để nấu nước lèo món lẩu gà lá é. Gà sẽ chín rất nhanh khi nấu cùng nước khoáng Đảnh Thạnh. Hương vị của nước lẩu lại rất đặc biệt khi dùng, không như nước dừa hay nước lã nấu thành.

Chiều 27 Tết, nhà tôi ai cũng rôm rả chuẩn bị cho món lẩu gà lá é. Ba chặt gà rồi xuýt xoa vì “tài nghệ” của mình ngày càng điêu luyện. Anh em chúng tôi người thì lặt rổ lá é, người thì kè kè bên má để học cách làm chén nước chấm trứ danh. Má vừa nêm nếm nồi nước lẩu vừa mắng yêu sao đàn con cứ bắt mình tự tay nấu hoài món này. Anh em chúng tôi dọn dẹp mọi thứ ra sàn nhà, rồi ngồi chấm mút liên tục chén nước chấm muối é thơm lành, cay ngọt, chờ má bưng nồi lẩu xuống.

Cành đào ba mua và chưng ngay góc nhà đã bung ra những cánh hoa hồng thắm. Mùa xuân đã ngấp nghé ngay cửa nhà trong tiết trời se lạnh. Ba má mỉm cười nhìn đàn con đang “quần quật” gắp những khoanh thịt gà vàng ươm, béo ngậy và từng nhúm lá é xanh bỏ vào nồi lẩu đang nóng hổi, dậy mùi quyến rũ. 

Ba cười cười, rót chung rượu, gắp miếng đùi gà bỏ vào chén bé Út. Rồi ba đẩy chén muối é khô về phía má, đùa: “Tui với bà ăn muối tiếp nha, tụi nó xơi hết thịt gà nữa rồi”… Anh em chúng tôi ngẩng mặt nhìn ba má… rồi những tràng cười dậy lên. Ba má quen chén muối hay quen nhường hết phần ngon cho đàn con? Giờ có con rồi, tóc dần bạc đi, chúng tôi càng hiểu thêm tấm lòng của ba má.

Mùa xuân là mùa đoàn viên. Ngày Tết, có lẽ món ăn nào cũng ngon bởi trong đó có sự sum vầy. Năm hết Tết đến, được ngồi cùng ba má bên mâm cơm đủ đầy, đó là hạnh phúc. Chính vì thế, cứ mỗi năm, món lẩu gà lá é má nấu cho anh em chúng tôi xì xụp lại ngon dần lên, dù tay má đã run, mắt má đã mờ. 

Chúng tôi thầm nghĩ rồi cũng đến một lúc nào đó, mùa xuân vẫn về như mọi năm, món lẩu gà lá é vẫn còn đây, chén muối é khô vẫn còn đó nhưng chỗ ngồi kia có thể sẽ vắng bóng hai người thân yêu. Chúng tôi không thể níu giữ được những gì từng là hạnh phúc trọn vẹn nữa. 

Chính vì thế, cứ mỗi mùa xuân, chúng tôi lại hối hả trở về và cùng ba má quây quần bên món ăn truyền thống của gia đình. Còn gì tuyệt vời hơn khi cả nhà vẫn còn được đủ đầy, vẫn được cười vui cùng ba má bên nồi lẩu gà lá é nóng hổi những ngày Tết.


TẠ TƯ VŨ