Cựu bí thư Bình Dương Trần Văn Nam xin lỗi Tổng Bí thư, nhân dân Bình Dương

Chiều nay 25-8, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HÐQT Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3-2), cùng 25 bị cáo liên quan vụ án “đất vàng” Bình Dương, đã kết thúc phần tranh tụng. Trước khi đi vào nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Bị cáo Trần Văn Nam tại phiên toà

Được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Minh nói bị cáo đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến nhưng cuối đời lại để vướng mắc, đây là việc bị cáo rất ân hận. “Tôi xin lỗi Đảng, nhà nước, đồng chí Tổng bí thư, tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương, xin lỗi cán bộ, nhân viên Công ty, vì tôi mà vướng vào vụ án. Tôi già yếu, bệnh tật, tôi không xin gì cho bản thân, chỉ mong xem xét cho các bị cáo khác, được coi là đồng phạm với tôi. Xin giảm án cho các bị cáo từng là cấp trên”- bị cáo day dứt nói và cho rằng bị cáo Nguyễn Thục Anh (Cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển – con gái bị cáo Minh) đã nghe theo bị cáo, vai trò thụ động, mờ nhạt, không đáng kể cho nên cho con gái bị cáo hưởng chính sách hình sự đặc biệt, được hưởng mức án thấp nhất.

Tương tự, bị cáo Trần Văn Nam cho rằng bản thân chỉ vài ngày nữa bước sang tuổi 60, không nghĩ cuộc đời mình vướng vào vòng lao lý. “Tôi rất ân hận. Tôi xin lỗi đồng chí Tổng Bí thư, Đảng bộ, nhân dân Bình Dương. Đau xót cho tỉnh Bình Dương, những đồng chí, đồng đội vướng vào vòng lao lý hôm nay. Mong muốn HĐXX xem xét toàn diện, đánh giá khách quan, những bị cáo vướng vào tội hoặc trách nhiệm, phần lớn tôi thấy, không cố ý, vụ lợi, không tham nhũng”- cựu Bí thư Bình Dương nói.

Theo cựu Bí thư Bình Dương, những bị cáo tại đây, nhiều người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh quyết liệt đổi mới. Trong mong muốn góp phần phát triển, vì lý do này, lý do khác, đã vướng vào pháp luật. Qua đó, mong HĐXX xem xét đặc biệt là những bị cáo là cán bộ tỉnh, tuổi cao.

“Tôi tự hào đã từng được tặng huy hiệu 30 năm tuổi đảng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng gửi niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Tôi chỉ mong muốn các bị cáo nói chung được giảm nhẹ hình phạt, được sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Tôi cũng xin cảm ơn TAND TP Hà Nội đã tổ chức phiên tòa văn minh, tạo nhiều niềm tin cho bị cáo về công lý, công bằng và thêm nghị lực để tiếp tục sống”- bị cáo kết thúc lời nói sau cùng.

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Trần Thanh Liêm nói: “Tôi suy nghĩ và tâm niệm giống như bị cáo Nam. Với 40 năm tham gia công tác cống hiến cho địa phương, đến nay, 38 năm tuổi Đảng. Tôi không nghĩ việc làm của mình lại dẫn đến vi phạm pháp luật, phải đứng tại phiên tòa này. Mong tòa xem xét yếu tố động cơ, mục đích. Không có động cơ gì khác hơn là thực hiện trách nhiệm của mình. Do nhận thức pháp luật không đẩy đủ, tin vào các cơ quan tham mưu, và yếu tố khách quan không nhận biết được việc làm của mình là sai”.

Theo bị cáo, qua phiên tòa này, bị cáo nhận thức được cái sai và mong tòa xem xét động cơ, mục đích, không tư lợi, không có sự giúp sức. Mong tòa xem xét sai phạm của một số bị cáo trong vụ án này, nhất là các bị cáo lãnh đạo tỉnh, quyết định mức án phù hợp. Áp dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để giúp cho bị cáo và bị cáo khác sớm trở về với gia đình.

Được nói lời sau cùng nhiều bị cáo trong vụ án, mong HĐXX xem xét các tình tiết, xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Qua đó, mong HĐXX cho hưởng hình phạt nhẹ để cho các bị cáo quay về sớm trở về với gia đình.

Trước đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nam và Trần Thanh Liêm từ 9 – 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; đề nghị tuyên Nguyễn Văn Minh tổng hình phạt từ 29 – 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”. 25 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 đến 26 năm tù.


Nguyễn Hưởng