Đà Nẵng: Dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão Noru

Trưa 25-9, UBND TP Đà Nẵng có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bão Noru.

Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tập trung triển khai các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn năm 2022.

“Tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão” – công điện nêu rõ.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển, sẵn sàng sơ tán nhân dân tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố,… Đồng thời, chỉ đạo địa phương phối hợp với lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng triển khai lực lương, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, khuyến cáo bà con thu hoạch sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện báo cáo cụ thể, ngắn gọn, chi tiết về số liệu về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố trước 6 giờ và 15 giờ hằng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo Thành ủy, UBND thành phố.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

Bão Noru dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi

Sáng cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết ngư dân tại phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã tận dụng thời tiết tạnh ráo, khẩn trương đưa thuyền thúng lên bờ, chằng chống an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo đến 7 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão Noru sẽ ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất mạnh cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão Noru, từ khoảng chiều 25-9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8 m; biển động dữ dội.

Thừa Thiên – Huế: Ưu tiên sơ tán các đối tượng dễ tổn thương trước “siêu bão” Noru

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống bão Noru chiều 25-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết địa phương này có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản; trong đó 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Đến 9 giờ ngày 25-9, tỉnh Thừa Thiên – Huế còn 17 phương tiện với 156 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển, dự kiến sẽ vào bờ tránh trú bão Noru vào sáng 26-9.

Tàu cá tỉnh Thừa Thiên – Huế neo đậu trên phá Tam Giang.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành 3 công điện, bố trí phương tiện và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu, thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25-9.

Các địa phương cấp huyện của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Theo đó, kế hoạch dự kiến di dời để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt khoảng 26.255 hộ với 99.424 người; di dời để đối phó với bão 23.762 hộ với 84.930 người; di dời để đối phó với lũ lụt 17.712 hộ/65.231 người và di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất 7.087 hộ/26.528 người.

Ngoài số lớn tàu cá vào bờ, hiện tỉnh Thừa Thiên – Huế còn 17 phương tiện đang di chuyển vào.

Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ, các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26-9.

Nhà thầu thi công cầu vượt cửa biển Thuận An, TP Huế khẩn trương thi công, dọn dẹp phương tiện, vật liệu đảm bảo an toàn trước khi bão vào.

Dọn dẹp vật liệu công trình.

Công trình cầu vượt cửa biển Thuận An.

Quang Nhật



Hải Định