Đại biểu Quốc hội: Người tiêu dùng “đem tiền mua bệnh”, bị bào mòn dần sự sống

Chiều 10-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Khái niệm “người tiêu dùng” trong dự thảo luật là nội dung được các đại biểu rất quan tâm và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có quy định đầy đủ, toàn diện. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai), dự thảo Luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.

Cho rằng lý do của việc không điều chỉnh đối với tổ chức trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục, không tán thành với sửa đổi này, đại biểu Phương đề nghị cần phải điều chỉnh đối với tổ chức. Theo bà, nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ đối tượng là “tổ chức” thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung từ “tổ chức” vào khoản 1, bởi người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt.

Tại Điều 16 nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định.

Bởi trên thực tế, theo bà Thuý, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng lo ngại người tiêu dùng lạm quyền, đưa các thông tin không đúng sự thật về sản phẩm gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, ĐB Huyền đồng tình với đề xuất của đại biểu Ma Thị Thuý về việc bổ sung quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm mình đưa ra, phải bồi thường thiệt hại nếu đưa, phản hồi về sản phẩm không đúng sự thật.

“Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ”- đại biểu Huyền nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), khoản 3 Điều 34 dự thảo luật quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên theo bà vân, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Vị đại biểu nêu thực tế, có những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sử dụng chưa gây hậu quả ngay mà có thể một năm hoặc nhiều năm sau mới phát bệnh, liệu khi đó việc bồi thường có được thực hiện hay không.

Từ bất cập này, đại biểu Vân cho rằng, để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cũng quan tâm đến vấn đề này. Theo đại biểu, thực phẩm bẩn hiện nay là thực trạng nhức nhối, tràn lan trên thị trường nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả.

“Thực tế, các thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng, chẳng khác nào họ đem tiền mua bệnh mà không hề biết mình phải đối diện với nhiều tác hại bệnh tật, bào mòn dần sự sống, thậm chí là nguyên nhân của những căn bệnh rất nguy hiểm như ung thư sau thời gian dài sử dụng”- đại biểu Trinh nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh

Trong trường hợp này, theo quan điểm của vị đại biểu đoàn Quảng Nam, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần phải minh chứng bằng hậu quả.

Hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại bởi một mặt do công tác quản lý, mặt khác là do tâm lý người tiêu dùng mong muốn tìm đến hàng hóa giá rẻ, trong khi người sản xuất, kinh doanh thì thổi bùng chất lượng đánh lừa người tiêu dùng, do vậy mà hàng hóa chất lượng, sản phẩm xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái.

Theo bà Trinh, có rất nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến các sản phẩm xanh, sạch và đảm bảo chất lượng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm luôn có giá thành cao, trong khi thị hiếu người dân hướng đến sản phẩm rẻ, đẹp mà ít quan tâm đến chất lượng, dẫn đến tình trạng nông sản sạch khó có đất sống, còn các nông sản bẩn vẫn tràn lan.

“Câu chuyện đó có một phần trách nhiệm từ các cơ quan quản lý, trách nhiệm của các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản và một phần đến từ trách nhiệm của người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung và thực phẩm, nông sản bẩn nói riêng”- đại biểu Trinh nhấn mạnh.

Vì vậy, trong dự thảo luật cần xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng cũng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng.


Minh Chiến – Văn Duẩn