Theo Soobin Hoàng Sơn, thông điệp của ca khúc này là lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời; kêu gọi mọi người tránh xa những khát vọng phù phiếm, xa hoa. Thay vào đó là tìm đến thiên nhiên, tận hưởng những tháng ngày tự do tự tại.
Những tựa bài hát sử dụng tiếng Việt tùy tiện hiện nay. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Khách quan mà nói, “Tự yours” là ca khúc dễ nghe cả về ca từ lẫn giai điệu. Song, khán giả vẫn cảm thấy lấn cấn với tựa ca khúc. “Tự yours” thoạt nghe người ta sẽ nghĩ đến từ “tự do”. Đây cũng là chủ ý của chủ nhân ca khúc. Thế nhưng, nó lại được viết theo cách ghép 2 từ “Tự” (tiếng Việt) và “yours” (tiếng Anh) – một sự kết hợp vô nghĩa và khiên cưỡng.
Thực tế, đây là cách mà một số người trẻ hiện nay chọn để làm nổi bật tác phẩm của mình. Ngoài “Tự yours” còn có “See tình” – ghép 2 từ “See” (tiếng Anh) và “tình” (tiếng Việt). Hình thức ghép này chủ yếu để tạo sự chú ý chứ không mang ý nghĩa gì. Những tựa bài hát kiểu “Shay nắnggg” (Say nắng), “Vaicaunoicokhiennguoithaydoi” (Vài câu nói có khiến người thay đổi), “Đưa em về nhàa” (Đưa em về nhà)… cũng thật sự đánh đố người nghe.
Những ca khúc nêu trên không hề dở. Đáng tiếc là tác giả của chúng lại muốn thu hút sự quan tâm của khán giả nên chọn cách đặt tựa không giống ai.
Thực tế, hầu hết ca khúc Việt có tuổi thọ cực ngắn, nổi tiếng lắm cũng chỉ được nhắc đến vài tuần rồi biến mất trước sự xuất hiện của những bài hit mới. Do vậy, vài tác giả đã nghĩ đến “chiêu” dùng tựa bài hát “độc, lạ” để quảng bá, gây chú ý. Song, đây không phải là cách làm được chấp nhận vì nó làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nguy hiểm hơn nếu nó sẽ trở thành thói quen sử dụng sai tiếng Việt.
Tiếng Việt cần được tôn trọng và lan tỏa theo cách chuẩn xác nhất. Là nghệ sĩ, trách nhiệm này càng lớn và quan trọng hơn bởi sức ảnh hưởng của họ với người hâm mộ.
Vậy nên, việc sử dụng tiếng Việt đặt tựa bài hát một cách lai căng, tùy tiện dù chỉ cho vui cũng cần sớm được cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý rốt ráo.