Đặt vòng nhưng vẫn có thai ở vị trí cực hiếm

Ngày 10-5, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật cứu sống bệnh nhân nữ Đ.T.C.T (32 tuổi) vì thai ngoài tử cung hiếm gặp.

Khai thác bệnh sử, chị T. cho biết năm 2020 từng sinh mổ 1 lần, sau đó ngừa thai bằng phương pháp đặt dụng cụ tử cung (đặt vòng tránh thai).

Một tháng nay, chị bị ra huyết âm đạo kéo dài và gần đây bụng dưới đau âm ỉ. Đi khám tại cơ sở y tế địa phương chị được xác định có thai bằng phương pháp thử que (quickstick). Tuy nhiên, bác sĩ siêu âm không xác định được vị trí khối thai nên chỉ lấy vòng tránh thai và hẹn tái khám sau 1 tuần.

Sau 1 ngày phẫu thuật thai ngoài tử cung hiếm gặp, bệnh nhân đã phục hồi tốt. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Vài ngày sau, chị bị ra huyết và đau bụng nhiều hơn nên đến khám tại bệnh viện tỉnh. Tại đây, chị được xét nghiệm máu phát hiện beta HCG (một hormone do bánh nhau sản xuất) cao và siêu âm nghi ngờ thai ngoài tử cung ở vòi trứng bên trái. Bệnh viện tỉnh khuyên chị nhập viện Bệnh viện Từ Dũ để được mổ bảo tồn vòi trứng thay vì phải cắt vòi trứng nếu mổ ở bệnh viện tỉnh.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, chị T. được thăm khám, kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ beta HCG rất cao (hơn 10.000 mUI/mL). Siêu âm thấy khối thai to với phôi thai dài 10 mm, không có tim thai, nằm sâu trong vách chậu bên trái.

Ngay sau đó, ekip trực hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Quá trình mổ, bác sĩ đã thám sát kỹ, phát hiện một khối thai to khoảng 7 tuần bám sâu vào vách chậu bên trái, rất gần đường đi của niệu quản bên trái và các mạch máu lớn vùng chậu. Do bánh nhau bám rất sâu và tăng sinh nhiều mạch máu yêu cầu phẫu thuật viên phải có kỹ năng cầm máu qua nội soi tốt để giảm tối đa lượng máu mất trong lúc mổ.

Sau 2 giờ, ca mổ đã được thực hiện thành công với lượng máu mất tối thiểu và bệnh nhân không cần phải truyền máu. Hiện sau mổ 1 ngày chị T. đã có thể tự đi lại được, ăn uống bình thường, không sốt, vết mổ khô và không còn đau đớn.

  • Mổ thai ngoài tử cung bao lâu thì có thể mang thai lại?

  • Thai ngoài tử cung có dễ tái phát?

  • Hy hữu cứu sống sản phụ mang thai ngoài tử cung, 10 năm không há miệng

  • Bác sĩ bỏ ăn Tết, vào bệnh viện hiến máu cứu sản phụ vỡ thai ngoài tử cung

Theo các bác sĩ, thai trong ổ bụng là một dạng rất hiếm gặp của thai ngoài tử cung. Tần suất dao động từ 1/10.000 – 1/30.000 thai kỳ; chiếm khoảng 1% trường hợp thai ngoài tử cung với tỉ lệ tử vong mẹ cao gấp 8 lần thai ngoài tử cung ở vòi trứng. Chẩn đoán thai ở vị trí này thường dễ bị bỏ sót cho đến khi có biến chứng như vỡ, xuất huyết nội hoặc chỉ được phát hiện trong lúc mổ thám sát tình trạng bụng ngoại khoa.

Nếu khối thai vỡ, khả năng mất máu lượng lớn cao hơn thai ở vòi trứng gấp nhiều lần và bệnh nhân có nguy cơ rơi vào sốc mất máu. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cắt bỏ khối thai sớm, tránh chảy máu không cầm được hoặc tổn thương cơ quan nội tạng. Phát hiện thai ở giai đoạn càng sớm, khả năng mổ thành công càng cao và tỉ lệ tai biến càng thấp.

Bác sĩ khuyến cáo chị em nên khám kiểm tra sớm nếu trễ kinh, hành kinh bất thường hoặc nghi ngờ có thai.

Mỗi phương pháp ngừa thai đều có tỉ lệ thành công và thất bại. Hiện tại không có phương pháp ngừa thai nào có tỉ lệ thành công là 100%. Sau khi đặt vòng, chị em cần tái khám phụ khoa định kỳ mỗi năm kiểm tra vị trí vòng để đảm bảo khả năng ngừa thai cao nhất.


Hải Yến