Sớm nhận diện được vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức (CB-CC) e ngại, sợ trách nhiệm, năm 2021, TP HCM chọn chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; năm 2022 là chủ đề “Nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư”; năm 2023, TP HCM lấy chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội”.
Tạo động lực, truyền cảm hứng
Cụ thể, với các chủ đề trên, TP HCM hướng đến nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị… Đặc biệt, trong điều kiện TP HCM xây dựng chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, viên chức (VC) đi đôi với công tác khuyến khích, bảo vệ CB-CC làm đúng, dám nghĩ, dám làm…
Cán bộ, công chức UBND quận 3, TP HCM giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bàn thêm về hiện tượng một bộ phận CB, CC, VC “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”, vừa làm, vừa nghe ngóng, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cho rằng cần có cái nhìn toàn diện, ở nhiều khía cạnh từ lý luận đến thực tiễn, từ năng lực, tính cách, tố chất con người đến quản lý cán bộ, phong trào thi đua…; đồng thời, nghiên cứu sâu hơn về động lực thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm trong mỗi người.
“Ngoài các giải pháp về chính sách, sự đãi ngộ, cần có một yếu tố rất quan trọng là những người lãnh đạo, những người đứng đầu các cấp, các ngành có khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa khát vọng đến mọi người” – TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
ThS Nguyễn Yến Nhi và ThS Nguyễn Thành Trung (Học viện Chính trị khu vực IV) đánh giá trong bối cảnh quốc tế và trong nước thay đổi liên tục, với áp lực phát triển thì tâm lý bất an, sợ sai, sợ áp lực của CB-CC có cả nỗi sợ hữu hình và vô hình. Nó khiến một số CB, CC, VC chọn “rời bỏ”, “thận trọng”, hay “không dám hành động”. Vì vậy, vai trò của thể chế, chính sách bảo vệ cán bộ trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định cần tháo “nút thắt” động lực và tâm lý làm việc của đội ngũ CB-CC. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo TS Huỳnh Thế Du, yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là khích lệ, tạo động lực mới cho CB, CC, VC. Ở TP HCM, đây là giai đoạn đội ngũ CB-CC có nhiều tâm tư, lãnh đạo thành phố phải nỗ lực đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ CB-CC chủ động, sáng tạo trước những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt “phá rào” mới trong phát triển kinh tế – xã hội.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thẳng thắn cho rằng làm đúng quy định thì không sợ sai. TP HCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc CB, CC, VC. Ai không làm thì luân chuyển vị trí, thay đổi nhân sự. Nếu cứ để “bình bình” như hiện nay thì rất khó đột phá.
Tuyển dụng, đề bạt cán bộ có năng lực
Phân tích tâm lý sợ sai nên không dám làm, thiếu quyết đoán, mất tự tin khi thực hiện nhiệm vụ, quá cẩn trọng khi tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách của một số CB, CC, VC, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nói: “Về phía khách quan, thời gian qua, cơ quan điều tra phát hiện nhiều sai phạm của CB các cấp, kể cả CB ở vị trí rất cao, đang có chức có quyền trở thành bị can, bị cáo. Về phía chủ quan, quá trình tuyển dụng, đề bạt CB không xem xét kỹ yếu tố chuyên môn, sở trường… dẫn đến CB thiếu kiến thức chuyên môn, sợ trách nhiệm nên không dám làm, không dám quyết. Ngoài ra, thiếu hành lang pháp lý cụ thể để bảo đảm an toàn cho CB khi đề xuất giải quyết một vấn đề nào đó phát sinh trong thực tiễn”.
Để hạn chế tình trạng trên, theo TS Phạm Viết Thuận, TP HCM cần tổ chức và tuyển dụng người có chuyên môn, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề xã hội ở cấp thành phố sau đó đến các sở, ngành và quận huyện; đồng thời, thực hiện luân chuyển và bố trí CB. Có thể thuê dịch vụ công bên ngoài để đáp ứng nhu cầu công việc tham mưu, nếu cần. Qua đó có thể sử dụng mọi nguồn lực trong xã hội để tham mưu, kiến tạo các giải pháp, chính sách, động lực mới cho thành phố.
“Thành phố cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các phường, xã trong thực hiện dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, môi trường và các dịch vụ khác. Để làm được, chỉ cần quận, huyện bố trí nhân sự trực tiếp có mặt tại xã, phường để thẩm định hồ sơ. Từ đó sẽ tạo thêm nguồn thu cho phường, xã giúp nâng cao đời sống của CB, có thu nhập thì sẽ có trách nhiệm tốt hơn với công việc” – TS Phạm Viết Thuận gợi ý.
Tương tự, ThS Nguyễn Quốc Khánh (Trường Chính trị Tây Ninh) cũng có ý kiến cho rằng TP HCM cần tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn có cơ chế đặc biệt để tuyển chọn, đề bạt người có tiềm năng, thực lực vào những vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Cơ chế đề bạt, bổ nhiệm phải công khai, minh bạch để lựa chọn người xứng đáng. Đồng thời, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn, phục vụ mục tiêu giữ chân và trọng dụng lâu dài.
Nhìn ở góc độ TP HCM là đô thị đặc biệt có số lượng dân số lớn nhất trong các đô thị, số lượng doanh nghiệp cũng cao nhất nước, nên khối lượng công việc mà CC hành chính của chính quyền cao hơn rất nhiều so với CC ở các địa phương khác, ThS Trịnh Xuân Thắng (Học viện Chính trị khu vực IV) đề xuất: “Cần có cơ chế đặc biệt đối với TP HCM. Chẳng hạn tính toán biên chế cho thành phố dựa trên số lượng dân cư và số đầu việc phải giải quyết chứ không theo quy định về cấp chính quyền hành chính. Hoặc cho TP HCM được chủ động phân bổ biên chế cho thành phố dựa trên tổng biên chế mà thành phố được giao. Qua đó, TP HCM cũng chủ động hơn về chương trình đào tạo, bồi dưỡng CB, CC để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố”.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5
Sát hạch định kỳ
Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam – Bộ Nội vụ, cần thiết tổ chức sát hạch công chức định kỳ, qua đó góp phần nâng chất cán bộ, tăng hiệu suất của các cơ quan hành chính nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
“Thực tế không ít CB-CC nghĩ rằng họ được bảo đảm bằng chế độ “biên chế suốt đời”, dẫn đến thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, ít nhiều biểu hiện sức ì. Việc thi sát hạch công chức sẽ thúc đẩy CB-CC luôn nỗ lực, phấn đấu hơn trong công việc. Ngoài ra, cách làm này sẽ bảo đảm tính khách quan, giúp tránh được tình trạng tùy tiện, chủ quan khi nhận xét đánh giá CB-CC; đồng thời khắc phục nạn “ô dù”, phe cánh, bình quân chủ nghĩa” – ông Diệp Văn Sơn nhấn mạnh.
Phân cấp phải phù hợp nguồn lực, quyền hạn
Lưu ý thêm về phân cấp, phân quyền, TS Nguyễn Ngọc Chung (Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP HCM) cho rằng khi nghị quyết mới được thông qua, Quốc hội, Chính phủ phân cấp, phân quyền cho thành phố có những lĩnh vực, nội dung hoàn toàn mới, đòi hỏi thành phố cần chuẩn bị đội ngũ CB, CC, bộ máy để tiếp nhận, quản lý nhiệm vụ phân cấp. Việc phân công thực hiện nhiệm vụ phân cấp phải phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguồn lực cần thiết để bảo đảm đạt hiệu quả cao.
Đối với các nội dung, nhiệm vụ phân cấp phức tạp, khó thực hiện, cần thực hiện từng bước, thận trọng để rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện phân cấp đi đôi với tăng cường công tác kiểm soát và kịp thời điều chỉnh các nội dung, phương thức, thẩm quyền phân cấp cho phù hợp.