Đề xuất các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị mất việc

Chiều 29-11, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 31 (khóa XII). Hội nghị sẽ diễn ra trong 1,5 ngày để bàn, cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng của tổ chức Công đoàn.  

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu khai mạc. Ảnh: Hải Nguyễn

Về dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, chương trình công tác công đoàn năm 2023, ông Nguyễn Đình Khang cho biết năm 2022, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động công đoàn thuận lợi hơn so với năm 2020, 2021.

Tuy nhiên, một số vấn đề nổi lên gần đây liên quan đến cắt giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các ủy viên Đoàn chủ tịch thảo luận, đề xuất các giải pháp của công đoàn trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về chương trình công tác công đoàn năm 2023, ông Nguyễn Đình Khang cho biết tại Hội nghị lần thứ 30 Đoàn Chủ tịch đã thống nhất chọn chủ đề hoạt động công đoàn năm 2023 “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”, Tổng Liên đoàn đã ban hành thông báo về một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2023. 

Tuy nhiên, để rõ hơn, cụ thể hơn những nội dung, nhiệm vụ, công việc của từng cấp công đoàn, nhất là năm 2023 là năm diễn ra Đại hội, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã dự thảo “Chương trình công tác công đoàn năm 2023”, đây là một nội dung mới so với các năm trước đây. Do vậy, đề nghị các các ủy viên Đoàn Chủ tịch dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến

Với báo cáo chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đây là nội dung hết sức quan trọng sẽ định hướng hoạt động công đoàn trong một giai đoạn. Do vậy, đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu cho ý kiến, trong đó quan tâm tới những đánh giá kết quả của nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã phù hợp, chính xác chưa, chú ý đối chiếu với những vấn đề liên quan được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, các chủ trương của Đảng, nhà nước, các chương trình, nghị quyết của Ban Chấp hành đã được ban hành để cụ thể hóa, đặc biệt là hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Về dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đề nghị Đoàn Chủ tịch tập trung thảo luận vào các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành trước khi lấy ý kiến tại đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bắt đầu từ tháng 12-2022.

Với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, yêu cầu sửa đổi lần này phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế. Dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10, 11-2024).


Văn Duẩn