Đem việc làm đến ứng viên

Phiên giao dịch việc làm (GDVL) đầu xuân 2023 vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 3-2, với sự tham gia của 82 doanh nghiệp (DN), tuyển dụng hơn 4.850 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông gần 2.400 vị trí. Còn lại là yêu cầu lao động có trình độ từ sơ cấp đến đại học.

Có việc làm ngay

Tại cơ sở 21 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) không có quá đông ứng viên, lý giải điều này, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng, cho hay do phiên GDVL được tổ chức tại 3 cơ sở và 1 điểm cầu tại phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Vì vậy, ứng viên có thể phỏng vấn trực tuyến nên không xảy ra tình trạng đông đúc, chen lấn như mọi năm. Điểm tư vấn việc làm đặt tại UBND phường Khuê Trung đang dần ổn định. Thứ sáu hằng tuần, người lao động (NLĐ) có nhu cầu tìm việc chỉ cần đến đây sẽ được kết nối online với 3 địa điểm của trung tâm DVVL.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng

Qua trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng tại điểm tư vấn việc làm đặt tại UBND phường Khuê Trung, anh Lê Văn Lợi đã tìm được việc làm tại một công ty gần nhà, với mức lương 7 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản trợ cấp. Chỉ cần bổ sung giấy tờ cá nhân là anh sẽ nhận việc ngay. “Đến điểm tư vấn việc làm tại UBND phường, tôi được cán bộ hướng dẫn, sơ tuyển trực tuyến với nhà tuyển dụng và có việc ngay, không còn phải vất vả tìm kiếm thông tin như những năm trước” – anh Lợi phấn khởi nói.

Ngoài mô hình thí điểm tại UBND phường Khuê Trung, trong năm qua, Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng đã tăng cường kết nối, thông qua mạng xã hội Zalo để gửi thông tin tuyển dụng đến từng tổ dân phố. Nhu cầu tuyển dụng, vị trí ứng tuyển, mức lương ban đầu… được thông tin đầy đủ qua các nhóm Zalo. Bên cạnh đó, các phiên GDVL lưu động tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu vẫn đang duy trì, nhằm đem việc đến tận nhà cho ứng viên.

Kết nối cung – cầu

Theo kế hoạch, năm 2023, Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng sẽ tổ chức 48 phiên GDVL định kỳ để kết nối DN với nguồn nhân lực tại địa phương. Từ hiệu quả ban đầu của mô hình thí điểm tại UBND phường Khuê Trung, trung tâm đang xúc tiến, kết nối để mở thêm điểm tư vấn tại các địa phương đông lao động. Trung tâm sẽ cung cấp thông tin, cắt cử cán bộ tại phường phụ trách việc tư vấn cho NLĐ.

Bên cạnh đó, hằng tháng, trung tâm còn phối hợp các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên tổ chức phiên GDVL online nhằm kết nối, hỗ trợ tối đa cho NLĐ với DN tại TP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Đà Nẵng, nhấn mạnh sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm DVVL tăng cường tổ chức các phiên GDVL, ưu tiên các phiên trực tuyến. Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, ngoài yêu cầu các DN thực hiện tốt các chế độ chính sách, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động thành lập tổ công tác hướng dẫn DN triển khai thực hiện tốt Nghị định 38/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành, nhu cầu tuyển dụng trong các DN ở những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377.700 người (cao hơn nhiều so với số mất việc làm trong các DN thời gian vừa qua). Đơn cử như TP HCM ghi nhận 499 DN có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I, với số lao động lên đến 14.379 người.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể xảy ra đến hết quý I/2023, do đó sẽ ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho NLĐ. “Bộ LĐ-TB-XH sẽ rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình sản xuất – kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da… để có phương án kết nối NLĐ với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên GDVL, ưu tiên các phiên GDVL trực tuyến” – lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết.

Ưu tiên cho lao động bị thu hồi đất

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 70.000 NLĐ bị thu hồi đất trên địa bàn TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm (gọi tắt là Đề án). Theo dự thảo quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và kết quả điều tra lao động năm 2022 trên địa bàn huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh, tổng số người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện đô thị hóa là 70.975. Trong đó, có 26% lao động đã qua đào tạo, gần 22% lao động độ tuổi 15-25, hơn 26% lao động độ tuổi 26-35, trên 33% lao động độ tuổi 36-50 và 18% lao động trên 50 tuổi. Theo Đề án, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 248 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động; vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm khoảng 700 tỉ đồng từ nguồn đối ứng Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương và vốn ngân sách địa phương…

Đề án đưa ra 7 mô hình hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho từng lứa tuổi, ngành nghề, nhu cầu sử dụng lao động của DN. Điển hình như mô hình dành cho độ tuổi 16-25, nhóm tuổi này sẽ tập trung đào tạo cho các ngành tài chính – ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng – khách sạn để cung cấp lao động cho các khu vực dịch vụ du lịch. Nhóm tuổi 26-35 sẽ tập trung đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp phù hợp cho nhu cầu tuyển dụng của các DN. Nhóm 35-50 tuổi sẽ đào tạo các ngành nghề dịch vụ, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, nông nghiệp công nghệ cao…

K.Nam


Bài và ảnh: HẢI ĐỊNH