Đến khi thủng ruột, cậu bé 8 tuổi mới biết mình nuốt tăm tre

Bác sĩ Vương Minh Chiều, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai 8 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng viêm loét dạ dày do thủng ruột.

Theo đó, khai thác bệnh sử gia đình cho biết trước đó nhiều tuần, bé bị đau bụng nhiều bên hông phải. Gia đình có đưa bé đến bệnh viện địa phương thăm khám và được chẩn đoán viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, do tình trạng ngày càng trầm trọng nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện, qua thăm khám và siêu âm ban đầu, ghi nhận bé bị phù nề thành tá tràng. Các bác sĩ cho biết lúc này chưa thể nhận diện được dị vật vì tăm tre không phải vật cản quang.

Chiếc tăm tre dài 5cm nhưng bé trai không nhớ đã nuốt khi nào. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau đó, bé được chỉ định chụp CT-scan ổ bụng. Kết quả phát hiện bé có dị vật trong lòng tá tràng, đâm thủng gây viêm và tụ dịch xung quanh dọc đại tràng phải. Các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật nội soi.

Khi bóc tách và thám sát trong lòng tá tràng, bác sĩ phát hiện dị vật là chiếc tăm tre xỉa răng. Tăm tre đã làm thủng hai vị trí, một lỗ ở đoạn đầu D2 gần rốn gan và một lỗ ở đoạn đầu D3, có mô viêm dày bao lại. Các bác sĩ phẫu thuật đã nỗ lực lấy nguyên vẹn chiếc tăm tre dài 5cm rồi khâu lại hai lỗ thủng. Hiện sức khỏe bệnh nhi 8 tuổi đã cải thiện, giảm viêm và ăn uống bình thường.

Bác sĩ Chiều cho hay vì trẻ không rõ bản thân nuốt tăm đã gây nên khó khăn trong quá trình chẩn đoán. Nếu dị vật để lâu, bệnh nhi có nguy cơ bị viêm phúc mạc gây nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng. Bên cạnh đó, thành tá tràng sẽ phù nề nhiều làm miệng nối khó lành, trẻ có thể phải trải qua nhiều phẫu thuật phức tạp hơn.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng gắp ra một chiếc kim băng đã bung kim trong dạ dày bệnh nhi 6 tháng tuổi. May mắn, bé cũng kịp thời được điều trị khi chưa tổn thương niêm mạc dạ dày thực quản.


Hải Yến