Diễn biến mới vụ “hỗn chiến” ở cảng biển An Thới, TP Phú Quốc

Ngày 28-4, ông Lê Quang Duy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Namas An Thới (gọi tắt là Công ty Namas) – đã liên hệ với phóng viên Báo Người Lao Động, nói về vụ xô xát giữa nhóm bảo vệ của công ty với người dân địa phương, xảy ra tại cảng biển An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào chiều 26-4.

Theo ông Duy, cảng biển An Thới đã dừng hoạt động khai thác chính thức, không có thu phí trong cảng gần 3 năm nay để chờ Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu giá tìm nhà thầu mới.

Cảng biển An Thới, TP Phú Quốc

Ngày 19-4, Liên doanh Công ty CP Cảng Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste được giao quyền khai thác 41 năm sau khi trúng đấu giá gần 952 tỉ đồng. Sau đó, đã ủy quyền cho Công ty Namas khai thác kinh doanh cảng biển An Thới.

Theo hợp đồng, ngày 27-4, Công ty Namas tiếp quản mặt bằng. Chiều 26-4, Công ty Namas đã thuê lực lượng bảo vệ của Công ty Bảo vệ Lucky bảo vệ tại cảng biển và đã xảy ra xô xát, đánh nhau với các hộ dân kinh doanh khu vực cảng biển làm 3 người bị thương.

Cảnh hỗn chiến tại cảng biển An Thới chiều 26-4

Lãnh đạo Công ty Namas cho biết khi vụ việc xảy ra, công ty đã kịp thời thăm hỏi người bị thương và sẽ khắc phục hậu quả sau thời gian nghỉ lễ. Đồng thời, công ty tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan công an địa phương điều tra vụ việc.

Về thông tin Namas áp giá dịch vụ tại cảng tăng cao so với trước, theo ông Duy là có sự hiểu nhầm. “Cảng biển An Thới đã được Cục Hàng hải thông báo chính thức dừng hoạt động từ năm 2021 đến nay nên không có việc thu phí. Còn mức giá mà Công ty Namas dự kiến thu 60 triệu đồng/tháng là áp dụng với mặt bằng lớn. Nhà đầu tư thuê sẽ cải tạo và chia sẻ không gian, có thể cho các tiểu thương thuê lại” – ông Duy giải thích

Trước đó, do không đồng ý với các điều khoản của bên khai thác, hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ tại cảng An Thới đã kéo tới nhà điều hành để phản đối và xảy ra xô xát với lực lượng bảo vệ. Cuộc xô xát khiến nhiều người bị thương.

Liên quan vụ việc, Công an TP Phú Quốc đã triệu tập 17 người phía công ty bảo vệ để lấy lời khai, xử lý theo quy định pháp luật.

Cảng biển An Thới là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân trong nhiều năm qua

Phía Công ty Nam cho biết đã dừng thu phí từ ngày 27-4 để đối thoại với tiểu thương, có chính sách hỗ trợ để hài hòa lợi ích hai bên.

Cảng An Thới được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại TP Phú Quốc do Nhà nước đầu tư với tổng kinh phí khoảng 128 tỉ đồng, sau đó hoàn thiện hạ tầng thêm khoảng 158 tỉ đồng. Dự án hoàn thành năm 2012 với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm.

Đây là cảng đầu mối và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000DWT và khu bến chuyển tải (bến phao) cho tàu 30.000DWT.


DUY NHÂN