Đừng chỉ biết phàn nàn nhà vệ sinh công cộng: Giải pháp ngay trước mắt

Trước khi Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam được thành lập vào năm 2018 và làm Chủ tịch của tổ chức này, tôi đã là Trưởng đại diện tổ chức Nhà Vệ sinh thế giới tại Việt Nam từ năm 2015. Từ đó đến nay, với cả 2 vai trò, tôi tham gia nghiên cứu các giải pháp của quốc tế về nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) và quá trình tiến triển của NVSCC tại Việt Nam từ xưa cho đến nay. Tôi nhận thấy đây là câu chuyện mà chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Phải đặt nơi dễ thấy

Thực tế tại nhiều nơi công cộng của TP HCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước, đa số NVSCC đều được xây dựng ở những góc sâu hoặc nằm ở tầng hầm. Thực trạng này thể hiện rõ nhất là tại các công viên. Nhiều nơi vẫn coi NVSCC là công trình cần phải giấu đi. Quan điểm này đã dẫn đến hệ quả là người dân, du khách không tiếp cận được NVSCC. Khi NVSCC này không được hiện hữu ở những vị trí dễ nhận ra cũng là trở ngại cho công tác xã hội hóa.

Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam cũng ghi nhận thực trạng nhiều nhà chờ xe buýt không có NVSCC. Kết quả là nhiều người vừa xuống xe buýt là phải “giải quyết” ngay tại chỗ. Vì vậy, rất cần NVSCC sạch sẽ, hiện đại kết hợp nhà chờ xe buýt. Tương tự, các bến xe, ga tàu cũng đang rất thiếu NVSCC đạt chất lượng. Mới đây, chúng tôi cùng Sở Du lịch TP HCM đi khảo sát 51 địa điểm nhà vệ sinh. Bên cạnh những điểm làm tốt thì cũng còn rất nhiều điểm chưa ổn. Thậm chí có điểm du lịch đến bây giờ vẫn chưa có NVSCC.

NVSCC cần phải thật đẹp, hiện đại, văn minhẢnh: Lê Vĩnh

Chú trọng công tác quản lý, vận hành

Chất lượng nhà vệ sinh tại các trường học, bệnh viện ở trung tâm thành phố thì tạm ổn nhưng cũng rất cần thêm các thiết bị, công nghệ, tính năng và các chương trình truyền thông liên quan đến NVSCC.

Đội ngũ nhân viên quản lý NVSCC cũng chưa được đào tạo, huấn luyện bài bản. Trong khi đó, trên thế giới đã có trường chuyên đào tạo, huấn luyện chuyên môn cho các đối tượng làm việc tại NVSCC. Khi lực lượng này được trang bị đầy đủ các kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp thì không chỉ nâng cao chất lượng NVSCC mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người sử dụng.

Nhiều năm qua, chúng ta đã và đang đầu tư để cải thiện chất lượng NVSCC nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân là do vẫn còn làm ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Các đơn vị tham gia xã hội hóa ban đầu nhưng lại không chú trọng công tác quản lý, quản trị, vận hành. Sắp tới cần chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên làm việc tại các NVSCC về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, ý thức và tính nhân văn trong nghề nghiệp.

Ngoài ra, muốn cải thiện chất lượng NVSCC tại TP HCM, cần phải xã hội hóa. Thông qua xã hội hóa sẽ vận động được nguồn thu nội lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Không chỉ giúp tiết kiệm cho ngân sách của nhà nước mà quan trọng hơn là thúc đẩy trách nhiệm của đơn vị tham gia xã hội hóa trong quá trình thiết kế, thi công, quản lý, vận hành. Đây là “chìa khóa” để mở ra hướng nâng cao chất lượng và phát triển lâu dài cho NVSCC. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công từ rất lâu. Không chỉ giúp đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, quản lý, vận hành NVSCC một cách khoa học mà còn phát huy tính bền vững, lâu dài cho công trình này.

Cũng vì thế, để thực hiện giải pháp này, trước hết cần phải thay đổi quan điểm về NVSCC, đó là phải thật đẹp, hiện đại, văn minh. Bên cạnh đó, các vị trí xây dựng NVSCC cũng cần có quy hoạch cụ thể trong các chương trình quy hoạch của địa phương hằng năm. NVSCC cần phải được xây dựng ở những vị trí dễ quan sát và mang tính bền vững. Nếu có thay đổi thì cần phải có những vị trí thay thế tương xứng với vị trí cũ. Nếu không thì các đơn vị, doanh nghiệp sẽ rất khó tham gia vì kinh phí đầu tư một NVSCC rất lớn.

Bên cạnh đó, sau khi hình thành cơ chế thu từ công tác xã hội hóa NVSCC, sẽ dùng một phần doanh thu để tài trợ cho các dự án cộng đồng tại vùng sâu vùng xa. 

Xây dựng nhà vệ sinh lưu động

Hệ thống NVSCC ở Paris (Pháp) từng được nhắc đến là nơi ám mùi, bẩn thỉu. Nhưng từ năm 2009, Paris đã có nỗ lực để cải thiện “hình ảnh không lấy gì đẹp đẽ” của NVSCC bằng việc sử dụng năng lượng sạch, miễn phí, từ số lượng đến chất lượng. Tại Paris cũng xây dựng một cổng thông tin đáng tin cậy với bản đồ cho phép người dân và du khách dễ dàng tra cứu các trạm vệ sinh.

Ở TP HCM và Hà Nội, theo tôi, nên dừng ngay việc triển khai xây NVSCC theo cách truyền thống là bằng gạch. Hiện các mô hình nhà vệ sinh lưu động, thông minh không thiếu. Cần tìm vỉa hè rộng (trên 10 m) để gắn những NVSCC bảo đảm tính tiện dụng, tránh làm phiền các hộ dân gần NVSCC. Đồng thời, tại những vỉa hè phải thiết kế chỗ đỗ xe cho người sử dụng NVSCC.

Quan trọng hơn, mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức phải khảo sát để quy hoạch và có bản vẽ thiết kế. Dừng ngay cách làm tự phát, làm hình thức; cần duy tu, bảo trì NVSCC khi đi vào hoạt động.

Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc (Việt kiều Pháp)


Lê Văn Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam)