Thấp thoáng sau những cánh rừng cao su xanh ngát của Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie (huyện Sambo, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia) là những ngôi nhà gỗ dành cho người lao động công ty. Tại đây có nhiều cặp vợ chồng người Việt hoặc Việt – Campuchia sinh sống đầm ấm.
Những đứa trẻ sinh ra trên đất bạn
Phía sau hàng phượng đỏ rực rỡ là căn nhà gỗ nhỏ của chị Lê Thị Mỹ Dung (SN 1997, kế toán Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie) và anh Trương Quốc Đạt (SN 1995, lái xe công ty). Chị Dung kể chị tốt nghiệp ngành kế toán Trường ĐH Trà Vinh, biết tin Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie tuyển kế toán, chị đăng ký ứng tuyển và sang Campuchia làm việc.
Những ngày đầu trên mảnh đất xa lạ lại không biết tiếng Khmer, chị cũng vô cùng bỡ ngỡ. Thời điểm này, cơ sở vật chất thiếu thốn, công ty chưa có điện lại không có phương tiện giải trí. Nhưng bù lại, những đồng nghiệp làm cùng công ty tận tình giúp đỡ người mới.
Vợ chồng chị Dung – anh Đạt bên con gái đầu lòng
Tại đất nước Chùa Tháp, chị đã gặp được một nửa của mình. Chị Dung nhớ lại: “Vì hai vợ chồng làm cùng công ty nên đám cưới rất vui. Tiệc cưới đãi ngay tại công ty, anh chị em làm chung tham dự đầy đủ”. Sau ngày cưới, công ty bố trí cho đôi vợ chồng trẻ một căn nhà nhỏ.
Năm 2022, vợ chồng chị Dung, anh Đạt đón con gái đầu lòng. Không chỉ trồng thêm xoài, vú sữa xung quanh nhà, anh Đạt còn mở rộng căn nhà để có chỗ cho con gái vui chơi.
Gần đó là nhà của anh Nguyễn Long Bào (SN 1996, Phó Giám đốc Nông trường 2, Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie) và chị Võ Thị Thanh Huyền (SN 1996, nhân viên lao động tiền lương công ty).
Anh Bào cho biết gia đình anh có truyền thống trong ngành cao su khi ông nội, ba mẹ đều làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (Bình Phước), anh xung phong sang Campuchia làm việc.
Tại mảnh đất này, anh gặp người phụ nữ của đời mình. Vợ chồng anh Bào, chị Huyền cũng có con trai hơn 1 tuổi và gửi về cho ông bà nội ở Việt Nam nuôi.
“Tổng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 1.400 USD/tháng. Vợ chồng tôi giữ một nửa để trang trải việc ăn uống, chi tiêu, nửa còn lại gửi về cho ông bà. So với thời gian đầu, cuộc sống tại tỉnh Kratie đã khá hơn khi công ty hỗ trợ nhà ở miễn phí, 2 bữa ăn/ngày; điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại… đã có”.
Nhận nuôi cả 3 con riêng của vợ
Anh Danh Hạnh (SN 1972) là người Việt gốc Khmer. Quê anh ở Kiên Giang và đã có 20 năm làm thầy giáo dạy tiểu học. Sau khi chia tay vợ, anh sang tỉnh Kratie làm việc được 4 năm nay.
Gia đình anh Danh Hạnh, người Việt gốc Khmer và chị Rim Ponlu, người Campuchia
Công việc hiện tại của anh là nhân viên phòng lao động tiền lương của Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie. Tại công ty, anh được một đồng nghiệp người Campuchia mai mối cho con gái của bà là chị Rim Ponlu (SN 1996).
Vợ chồng anh Hạnh và chị Ponlu hiện có một con gái 6 tháng tuổi. Điều đặc biệt là anh Hạnh nhận nuôi luôn 3 đứa con của người vợ trẻ với chồng trước.
Khi được hỏi về các con, anh Hạnh cười: “Campuchia dân số rất thấp nên chính phủ đang khuyến khích các gia đình sinh nhiều con. Việc học tập cũng không tốn kém vì trẻ đi học không phải đóng học phí, không có học thêm. Mỗi đứa trẻ đến trường chỉ có vài quyển sách, vài quyển tập. Trẻ con chỉ học một buổi nên không phải đóng tiền ăn”.
Vợ anh Hạnh ở nhà làm nội trợ và trông các con. Dù một mình đi làm nhưng anh Hạnh vẫn nuôi được cả nhà 6 nhân khẩu.
Ngôi nhà nhỏ của anh ở Campuchia không khác gì ở Việt Nam khi có nhiều cây ăn trái của quê hương được anh mang sang trồng. Anh còn nuôi gà, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Dù và chị Tấn cùng lập nghiệp nơi xứ người
Một cặp vợ chồng “chênh lệch” khá thú vị khác tại làng là anh Thạch Dù (SN 1985, quản lý nhà máy chế biến mủ cao su Công ty CP Cao su Đồng Nai – Kratie) và chị Thạch Thị Hồng Tấn (SN 1992, quản lý siêu thị và trạm y tế công ty).
Anh Dù và chị Tấn đều là người Việt gốc Khmer, quê ở Trà Vinh. Họ được đồng nghiệp gọi là “cặp chênh lệch” vì anh Dù cao to, da ngăm đen còn chị Tấn mỏng manh, trắng trẻo.
Năm 2010, tốt nghiệp Trường ĐH Trà Vinh, anh Dù sang tỉnh Kratie làm công nhân chăm sóc vườn cây. Thấy công việc ổn định, anh đưa vợ mình sang làm cùng, con trai 8 tuổi được anh chị gửi cho ông bà ngoại ở Trà Vinh.
“Khoảng 2 tháng vợ chồng tôi về thăm nhà, thăm con một lần. Hè này, tôi sẽ đưa bé sang Campuchia chơi để biết nơi ba mẹ làm việc, sinh sống và thưởng thức các món đặc sản của người Campuchia” – anh Dù cho hay.
Đa số cặp vợ chồng người Việt gửi con về quê nhờ ông bà nuôi giúp và các cháu đi học ở Việt Nam. Ngược lại, các gia đình Việt Nam – Campuchia trực tiếp nuôi con và cho con đi học tại các trường tiểu học do công ty xây dựng. Tất cả các gia đình đều rất hạnh phúc và thích ứng tốt với cuộc sống trên đất Campuchia.