Khi đi vào khu vực đại dương do Philippines giám sát, Mawar (Philippines gọi là Betty) đạt sức gió lên tới 270 km/giờ, vượt xa mức “trên cấp 17” của thang bão Beaufort mở rộng mà Việt Nam sử dụng.
Tờ Independent dẫn lời cơ quan thời tiết của Philippines cho biết trong ngày 28-5, cơn bão duy trì sức mạnh khi tiếp tục di chuyển về phía Bắc, khiến nước này phải cảnh báo giông bão và sạt lở đất ở một số khu vực.
Trước đó, các đơn vị trực thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) và Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ dự báo mùa bão ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương – tức vùng phía Bắc đường xích đạo của đại dương này – sẽ có trên 50% khả năng hoạt động trên mức bình thường.
Một mùa bão gần như bình thường ở khu vực này sẽ có khoảng 4-5 xoáy thuận nhiệt đới – bao gồm áp thấp nhiệt đới, bão nhiệt đới và cuồng phong – trong khi tổng số xoáy thuận nhiệt đới trong mùa bão kéo dài từ ngày 1-6 đến 30-11 năm nay có thể lên đến 7.
Ảnh vệ tinh cho thấy sức tàn phá của siêu bão Mawar lên làng Dededo ở Guam – Mỹ hôm 26-5 Ảnh: REUTERS
“Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dự báo của chúng tôi là sự xuất hiện của El Nino. Có thể xảy ra từ mùa hè này, El Nino thường góp phần làm gia tăng hoạt động của bão nhiệt đới trên Thái Bình Dương” – nhà dự báo bão Matthew Rosencrans của Trung tâm Dự báo khí hậu của NOAA cho biết.
NOAA nhấn mạnh dự báo này là một hướng dẫn chung về hoạt động của các xoáy thuận nhiệt đới, không dự đoán liệu các cơn bão có ảnh hưởng đến một khu vực cụ thể nào ở Thái Bình Dương hay không, bao gồm Hawaii thuộc Mỹ.
NOAA cũng dự báo mùa bão ở khu vực Đại Tây Dương có 40% khả năng xảy ra gần như bình thường, 30% trên mức bình thường và 30% dưới mức bình thường, với khoảng 12-17 cơn bão sẽ được đặt tên trong khu vực, trong đó có 1-4 cơn cực mạnh.
El Nino vốn kìm hãm bão ở Đại Tây Dương nhưng một số điều kiện khu vực bao gồm biển ấm do biến đổi khí hậu lại thúc đẩy bão.