Giảm năm đóng, lương hưu có đủ sống?

Trong Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động có nhiều bài viết phân tích đa chiều và nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Nhiều bạn đọc nhận xét cách đặt vấn đề của bài viết là khách quan, thỏa đáng.

Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: “Thật bất công nếu cào bằng tuổi nghỉ hưu của những người hưởng lương ngân sách nhà nước với những người lao động ở lĩnh vực tư nhân! Lĩnh vực lao động tư nhân nên rút ngắn tuổi nghỉ hưu xuống 55 với nam và 50 với nữ, lương hưu tính bằng lãi suất ngân hàng của tổng số tiền BHXH đã đóng, khi NLĐ chết thì trả gốc cho họ. Như vậy, cơ quan BHXH vẫn có lãi từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH tới khi họ nghỉ hưu”. Bạn đọc Trần Quang đặt vấn đề: “Tại sao lại bó buộc tuổi nghỉ hưu? Theo tôi, lao động ngoài nhà nước cứ đóng đủ 20 năm bảo hiểm là có quyền nghỉ hưu, còn ai có nhiều năm đóng bảo hiểm thì hưởng thêm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”.

Theo một bạn đọc tên Tuấn, để công bằng, chỉ nên quy định số năm đóng BHXH (có thể 30 hoặc 35 năm), không quy định tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Phạm Tuấn Anh góp ý: “Tôi có ý kiến thế này. Hãy để số năm đóng đa dạng từ 10 năm tới 30 – 40 năm. Và số tuổi về hưu đa dạng từ 47, 50, 55, 60 để tự người đóng lựa chọn. Đóng ít hưởng ít đóng nhiều hưởng cao, cứ theo quy luật thị trường. Còn tiền đóng là của người lao động bỏ ra chứ không ai đi xin ai cả. Vậy nên hãy tôn trọng người lao động. BHXH hay cứ coi là 1 kênh đầu tư do nhà nước quản lý. Còn người lao động là khách hàng. Vậy thử hỏi khách hàng có quyền lựa chọn gói an sinh cho mình không”.

Nguyễn Thị Hoàn cho rằng việc quy định nghỉ trước tuổi trừ 2% là không hợp lý. Phụ nữ 50 tuổi cống hiến gần 30 rồi mà vẫn chưa được nghỉ hưu, rất mệt mỏi mà nghỉ sớm trừ tính lương hưu chẳng đươc là bao. Do vậy, nên quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 52 và nam là 55. 

Với bạn đọc Phong Nguyễn, giảm năm đóng chỉ hợp lý với người tham gia BHXH muộn mà thôi. Còn những người tham gia sớm thì quá thiệt thòi. “Có khi 45 tuổi đã đủ thời gian đóng BHXH 25 năm nhưng phải đợi hơn 15 năm nữa mới có lương hưu. Ở độ tuổi đó, trong thời gian đó lại rất khó kiếm việc để kiếm sống. Quá bất cập. Vậy nên BHXH cần có phương án phù hợp cho từng đối tượng. 

Bạn đọc tên Nguyễn Tùng nói: “Tôi nghĩ tiền của người lao động để họ tự quyết, còn nếu muốn người lao động không rút thì nên có chính sách hợp lý. Giả dụ một người đóng đủ 15 năm nhưng phải đợi 20 tới 25 năm nữa mới được hưởng thì lâu quá, e rằng không đợi được”.

Góp ý hoàn thiện Luật BHXH, bạn đọc Vương Bùi đề xuất: “Nên giảm tuổi lao động để được nghỉ hưu là hợp lý. Ví dụ như từ đủ 50 tuổi trở lên đối với cả nam và cả nữ mà đã đóng đủ 20 năm BHXH nếu nghỉ trước tuổi thì nên cho họ làm thủ tục nghỉ chế độ hưu trí là phù hợp”. Một bạn đọc tên Thịnh cho rằng chỉ có giảm tuổi về hưu và tính lương bình quân đóng BHXH cho công bằng, như nhau, giữa người lao động làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người làm việc trong các thành phần kinh tế khác thì việc rút BHXH một lần sẽ giảm và việc đóng BHXH tự nguyện sẽ tăng.

Tương tự, một bạn đọc tên Chinh góp ý: “Chỉ có giảm tuổi về hưu và tính lương bình quân đóng BHXH cho công bằng, như nhau, giữa người lao động làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người làm việc trong các thành phần kinh tế khác thì việc rút BHXH một lần sẽ giảm và việc đóng BHXH tự nguyện sẽ tăng”.


Bài và ảnh: An Chi