Giáo dục TP HCM gặp khó khi một số quy định chưa phù hợp thực tiễn

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay, 12-8, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở 64 điểm cầu trong cả nước, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết năm học 2021-2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành GD-ĐT TP đã hoàn thành “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh vừa kiên trì thực hiện nhiệm vụ năm học.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong thời gian học sinh không thể đến trường học trực tiếp vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục và thành phố tập trung các nguồn lực có thể để đảm bảo việc dạy và học qua internet mang lại hiệu quả, bằng nhiều biện pháp như: tổ chức bồi dưỡng giáo viên qua hình thức trực tuyến; xây dựng kho học liệu trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học – trải nghiệm; vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ trang thiết bị học tập và đường truyền; dạy học trên truyền hình…

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM – phát biểu từ điểm cầu UBND TP HCM

Sau khi dịch bệnh tại TP HCM được kiểm soát, toàn thành phố quyết tâm, linh hoạt, chủ động và sáng tạo nhằm ban hành, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, hướng dẫn, lộ trình cho các cơ sở giáo dục tiếp nhận học sinh đi học trực tiếp trở lại. Với tinh thần “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”, TP HCM đã triển khai và kiên trì thực hiện kế hoạch, các văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo học sinh toàn thành phố được trở lại học tập trực tiếp tại trường, đồng thời đảm bảo an toàn về phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục. 

“100% cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp có kế hoạch, phương án phòng chống dịch. Sau Tết Nguyên đán 2022, học sinh thành phố ở các cấp học, bậc học, ngành học đều đã được đến trường học tập trực tiếp. Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho học sinh đi học ngày càng tăng qua thời gian là minh chứng cho sự tin tưởng của người dân thành phố” – ông Hiếu nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT TP HCM, một số quy định của trung ương chưa phù hợp với thực tiễn thành phố nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn. Cụ thể, hiện vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên ngoại ngữ, tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán; giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thành phố. Những nhân sự này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục thành phố.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết trong năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT TP tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của HDND TP dành cho giáo dục. Tăng cường ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp – khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá của TP HCM để giáo dục thành phố hội nhập, phát triển với các nước trong khu vực và quốc tế…


Đặng Trinh