Giỏi ngoại ngữ chưa hẳn là lợi thế khi tìm việc

Ngoại ngữ là ưu thế để gia tăng cơ hội cạnh tranh cho ứng viên khi tìm việc. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt, số vị trí tuyển mới giảm mạnh so với các năm, cơ hội cho ứng viên có ngoại ngữ cũng hẹp dần.

Chật vật tìm việc

Bắt đầu tìm việc từ tháng 8-2022 nhưng đến nay, anh Đào Quốc Nghĩa (28 tuổi, ngụ TP HCM) vẫn chưa có công việc phù hợp. Trước đó, anh là nhân viên điều phối cho một công ty của Pháp chuyên cho thuê xe du lịch có trụ sở tại TP HCM.

  • Lao động về nước khó tìm việc

Từng học tiếng Pháp, cộng với gần 1 năm làm việc trong môi trường quốc tế nên Nghĩa khá tự tin với khả năng ngoại ngữ của mình. Tuy nhiên, anh vẫn chật vật khi tìm việc làm mới với mức lương mong muốn là 9 triệu đồng/tháng. Để tận dụng vốn ngoại ngữ, anh tìm đến nhiều công ty nước ngoài nhưng số lượng tuyển dụng không nhiều.

“Nếu ứng tuyển vào các công ty trong nước, lợi thế cạnh tranh của tôi sẽ không còn vì thiếu kinh nghiệm làm việc. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) cần nhân sự chất lượng và làm việc được ngay” – anh Nghĩa cho biết.

Tham gia sự kiện tuyển dụng là cơ hội cho ứng viên hiểu thêm về nhu cầu của doanh nghiệp để cải thiện các kỹ năng

Chị Trần Thị Ngọc Anh (31 tuổi, ngụ TP HCM) cũng đang loay hoay tìm việc mới. Chị Anh đã tốt nghiệp Trường ĐH Mở TP HCM, từng đạt chứng chỉ IELTS 6.5. Ra trường, chị làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh nên trình độ ngoại ngữ ngày càng được nâng cao.

Công việc gần nhất mà Ngọc Anh đảm nhận là trưởng nhóm truyền thông và thương hiệu cho một ngân hàng ở quận 3, TP HCM. Tháng 9-2022, chị quyết định nghỉ việc để tìm kiếm thử thách mới. Với kinh nghiệm có được trong ngành tài chính cùng thế mạnh ngoại ngữ, chị hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm nhưng mọi việc không suôn sẻ. 5 tháng qua, chị đã gửi hàng chục hồ sơ nhưng số DN phản hồi rất khiêm tốn.

“Bên cạnh ứng tuyển ngành tài chính ngân hàng, tôi cũng nộp hồ sơ vào một số DN ngành hàng tiêu dùng nhưng họ đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cuối cùng, tôi vẫn không được chọn” – chị Ngọc Anh rầu rĩ.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Liên (23 tuổi, quê Tây Ninh) sử dụng tiếng Trung thành thạo. Chị bắt đầu với vị trí thực tập sinh tại một công ty may mặc sau 3 tháng được nhận vào làm chính thức. Tuy nhiên, do công ty không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH nên chị xin nghỉ việc từ tháng 12-2022. Thời gian qua, mục tiêu tìm việc của chị là một môi trường ổn định, chế độ đãi ngộ tốt và sử dụng tiếng Trung trong công việc. Dù vậy, đến nay mục tiêu đó vẫn chưa thể thực hiện.

Cốt lõi là năng lực chuyên môn

Đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Bia Anheuser-Busch InBev (quận 3) cho biết nếu sở hữu khả năng ngoại ngữ tốt, ứng viên sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến, ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, người đại diện này đánh giá ngoại ngữ chỉ là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng là tiềm năng phát triển và sự phù hợp với môi trường, văn hóa DN.

“Chúng tôi đánh giá ứng viên dựa trên 9 năng lực lãnh đạo của công ty, gồm: dũng cảm, tham vọng, bền bỉ, tính ham học hỏi, sự hòa nhập, tư duy cùng phát triển, hợp tác, linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc xuất sắc. Trong buổi phỏng vấn, ứng viên thể hiện tốt những tiêu chí này sẽ được DN ưu tiên lựa chọn thay vì chỉ chú trọng vào ngoại ngữ” – ông nhấn mạnh.

Theo bà Ngô Thanh Nhàn, Trưởng nhóm tuyển dụng TRG International (quận 2, TP HCM), môi trường đa quốc gia như TRG International luôn đòi hỏi ứng viên có ngoại ngữ từ trung bình khá đến tốt. Dù vậy, bà Nhàn nhận định một ứng viên yếu ngoại ngữ nhưng phẩm chất nổi bật thì sẽ có cơ hội cao hơn so với người chỉ dựa vào khả năng ngoại ngữ một cách thụ động.

“Công ty cho phép linh động về thời gian và làm việc từ xa. Do đó, chúng tôi cần nhất những người có thái độ làm việc nghiêm túc, nhất là đam mê với ngành, lĩnh vực mà mình theo đuổi” – bà Nhàn cho biết.

Nhiều chuyên gia khẳng định ngoại ngữ là ưu thế nhưng không phải tất cả. Với DN, năng lực và trình độ chuyên môn luôn đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn tỉ lệ cạnh tranh cao, các công ty dè dặt tuyển mới, ngoài ngoại ngữ, người lao động cần chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng liên quan.

Trở lại trường hợp anh Đào Quốc Nghĩa, sau nhiều lần phỏng vấn thất bại, anh nhận ra vấn đề của bản thân là chưa có nhiều kỹ năng trong công việc. Anh xác định sẽ dành nhiều thời gian dự các ngày hội việc làm để trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng… Qua đó, anh được mở rộng góc nhìn về nhu cầu thị trường lao động và có sự chuẩn bị cần thiết cho vị trí mình ứng tuyển.


Bài và ảnh: MÂY TRINH