Hai loài “bất tử” mới trỗi dậy giữa sông băng, rã đông xong… sống tiếp

Tardigrades hay “bọ gấu nước” từ lâu đã chứng minh bản chất của những “quái vật bất tử” khi có thể sống sót ở những điều kiện cực đoan mà không sinh vật Trái Đất nào khác tồn tại nổi.

Theo Sci-News, chúng có thể chịu được áp suất từ 0 atm ở môi trường giữa các vì sao đến 1.200 atm tại đáy rãnh Marianas ở Thái Bình Dương, nhiệt độ từ âm 272 độ C đến 150 độ C, “khỏe re” trước bức xạ vũ trụ chết chóc…

Các nhà khoa học thậm chí nghĩ chúng đã xâm lược Mặt Trăng sau khi rơi ra từ tàu Israel Beresheet gặp nạn năm 2019.

Cơ thể dị hình của Kararehius gregori, một loài trong 2 chi sinh vật bất tử mới được phát hiện ở sông băng Nam Alps – Ảnh: Krzysztof Zawierucha

Sau nhiều lần được tìm thấy ở những nơi chết chóc nhất địa cầu như sa mạc hàng chục năm không có nước, nơi các hồ núi lửa sôi sùng sục, trên những cánh đồng băng thiếu sự sống…, hai đại diện mới của Tardigrades vừa được phát hiện ở một nơi cư trú bất thường khác: Sông băng núi cao Nam Alps, New Zealand.

Nhóm nghiên cứu từ Ba Lan, New Zealand và Mỹ, dẫn đầu bởi TS Krzysztof Zawierucha từ Khoa Phân loại động vật – Sinh thái học Trường Đại học Adam Mickiewicz và Khoa Lâm nghiệm – Khoa học gỗ Trường Đại học Khoa học đời sống Cộng hòa Czech, đã phân tích 2 loài chưa từng thấy trên Trái Đất này.

Chi Tardigrades Nam Alps đầu tiên được đặt tên là Kopakaius, mang hình thái đặc biệt và độc đáo; trong khi chi thứ hai được đặt tên là Kararehius, có liên quan đến chi Adropion phong phú.

Chi đầu tiên gồm 3 loài khác nhau, chi thứ 2 gồm 1 loài mới thêm vào 3 thành viên cũ được đem sang từ chi Adropion.

Giống như các loài Tardigrades sông băng khác từng được tìm thấy ở Nam Cực hay Bắc Cực, chúng thể hiện màu sắc kỳ lạ với một chi sẫm màu, chi còn lại dường như bị thiếu sắc tố.

Đây là một phát hiện đặc biệt bởi sự phong phú của Tardigrades trong môi trường sống cực kỳ lạnh, băng giá là tương đối thấp, có thể do áp lực chọn lọc mạnh bao gồm nhiệt độ thấp vĩnh viễn, bức xạ cao và… bị đóng băng định kỳ, tất nhiên chúng vẫn tiếp tục sống khỏe mạnh sau mỗi chu kỳ đóng băng – rã đông tự nhiên.

Tuy gọi là ít phong phú nhưng riêng việc chúng tồn tại nổi trong điều kiện như vậy đã đủ gây sốc.

Các loài Tardigrades ở sông băng núi cao cũng mang nhiều khác biệt từ hình thái đến ADN so với Tardigrades ở những môi trường dễ sống hơn.

Tìm hiểu về giới hạn của “quái vật bất tử” Tardigrades mở ra cho giới khoa học những chân trời mới và vô số tiềm năng nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực thiên văn. Bởi lẽ, chúng là bằng chứng vững chắc cho thấy sự sống ngoài hành tinh vẫn có thể tồn tại ở những điều kiện “không sống được”.

Nhiều ý tưởng táo bạo đã được đưa ra trong các nghiên cứu trước, bao gồm mang Tardigrades đi du hành vũ trụ hoặc thậm chí “lai” với con người bằng cách bổ sung cho phi hành gia một vài khả năng “bất tử” nhờ liệu pháp gien.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Molecular Phylogenetics and Evolution.


Anh Thư