Hàng ngàn người Anh biểu tình đòi tái gia nhập EU

Ngày 22-10, hàng ngàn người tham dự cuộc tuần hành kéo dài hàng giờ tại thủ đô London của Anh để kêu gọi nước này tái gia nhập EU. Quảng trường Quốc hội – điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc tuần hành – rợp màu xanh khi những người ủng hộ vẫy cờ EU và mang theo biểu ngữ.

Một số biểu ngữ đề “Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) sẽ không bao giờ thành công”, “Chúng tôi bỏ phiếu tái gia nhập EU”…

Những người biểu tình đòi tái gia nhập EU tại Quảng trường Quốc hội, London. Ảnh: PA

Người biểu tình ở London hôm 22-10. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin DPA, đám đông la ó khi được hỏi về viễn cảnh cựu thủ tướng Boris Johnson tái tranh cử thủ tướng, sau khi bà Liz Truss từ chức.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin hôm 21-10 nhận định tình hình hiện nay đòi hỏi Anh cần sớm có một lãnh đạo đủ tầm, người này cần biết rút kinh nghiệm sâu sắc từ hậu quả của các quyết định vội vàng.

Nikki Ajibade, một giáo viên 60 tuổi đến từ hạt Warwickshire, có mặt trong cuộc tuần hành với chị gái của mình. Bà Nikki Ajibade nói: “Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng tình hình hiện tại của chúng tôi. Nhìn lại sau 6 năm chúng tôi đang ở đâu? Chúng tôi nghĩ cần phải có một chính phủ đưa ra các chính sách hợp lý, tổng tuyển cử ngay bây giờ, bởi vì tình hình đang quá lộn xộn”.

Trong khi đó, Oliver Jackson, một công nhân 26 tuổi đến từ hạt Dorset, nói rằng điều quan trọng là các chính trị gia phải lắng nghe những người muốn nước Anh tái gia nhập EU.

Anh Jackson nói với tờ Evening Standard: “Chúng tôi cần được lắng nghe. Thành thật mà nói, cách tốt nhất để đưa Vương quốc Anh trở lại đúng hướng là tái gia nhập EU. Brexit là cái chết từ từ, đã làm khô cạn nước Anh trong nhiều năm”.

Tony Harold, 44 tuổi, đến từ Poole, làm việc trên thị trường cổ phiếu, nói rằng Brexit ảnh hưởng đến ông vì ông có tài sản ở Tây Ban Nha. Ông Harold than thở: “Chúng tôi chịu thiệt hại và tất cả đã xuống dốc kể từ khi Brexit bắt đầu.

Tương tự, ông oshua Allotey, 57 tuổi, đến từ Winchester, tin rằng Anh sẽ tiếp tục đau khổ vì đã rời EU.

Người dân ở London mang theo cờ và biểu ngữ kêu gọi Anh tái gia nhập EU ngày 22-10. Ảnh: EPA-EFE

Đài CNN dẫn lời giới chuyên gia phân tích cho biết ban đầu, con đường Brexit mà chính phủ Anh theo đuổi có mục tiêu là thoát khỏi EU, khôi phục sự tự do về chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư và công nghệ.

Tuy nhiên, việc Anh muốn “Brexit hoàn toàn” một cách nhanh chóng đã khiến các nhà đàm phán nước này phải chạy nước rút, và có thể đã bỏ lỡ những điều khoản quan trọng trong các lĩnh vực như năng lượng hay lao động.

Hồi tháng 8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo Anh sẽ rơi vào suy thoái kinh tế cuối năm 2022 và không thoát khỏi viễn cảnh này cho đến đầu năm 2024, phần lớn là do mức sống bị ảnh hưởng từ việc tăng giá năng lượng.


Huệ Bình