Hàng ngàn người đổ về La Phù xem rước “ông lợn”

Tối ngày 3-2 (tức 13 tháng Giêng năm Quý Mão) người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức lễ rước “ông lợn” để tưởng nhớ công ơn của Đức thành hoàng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.

Theo đó, 10 thôn, xóm trong làng năm nay chọn được 17 “ông lợn” đủ tiêu chuẩn cho lễ dâng tế thành hoàng.

Đúng 17 giờ chiều ngày 3-2, các “ông lợn” và lễ vật được người dân rước qua các ngõ, đường làng với tiếng trống rộn ràng, linh đình.

Các tiết mục văn nghệ sôi động trong quá trình rước các “ông lợn” quanh xóm, làng.

Gần 20 giờ tối cùng ngày, có đến hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về lễ hội chiêm ngưỡng những “ông lợn”.

Các ngả đường gần như chật kín người dân và du khách trẩy hội.

Người dân thích thú chiêm ngưỡng những “ông lợn” đang chờ trước cửa đình.

Đến khoảng 20 giờ 30 phút tối, sau khi “dạo quanh” làng các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các cụ cao niên.

Đi trước là bàn với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Kiệu của “ông lợn” sẽ được khiêng bởi những thanh niên trai tráng đi sau cùng.

Trong khuôn viên của đình rất đông các trai tráng khiêng ” ông lợn” vào lễ tế

Những “ông lợn” được lựa chọn có cân nặng từ 170 kg đến trên 200 kg, được chăm sóc kỹ lưỡng.

6 “ông lợn” đẹp nhất sẽ được lựa chọn để đưa vào cung chính của đình làm lễ dâng tế. 11 “ông lợn” còn lại sẽ được đặt ở gian ngoài.

Các “ông lợn” trong lễ rước lợn được trang trí đẹp mắt với mắt giả, mũi giả và đặt lên một chiếc ban có lọng che để rước ra đình làng.

Do các “ông lợn” đều rất nặng nên những người khiêng vác đều phải là thanh niên trai tráng.

Thanh niên trai tráng rước “ông lợn” vào chính cung để làm lễ. Được biết, khu vực diễn ra lễ tế là khu vực cấm, chỉ có những người được phân công mới có thể vào bên trong, những người còn lại đều phải ngồi ở bên ngoài.

Việc tế lễ thành hoàng làng sẽ được thực hiện từ lúc 21 giờ đến 1, 2 giờ sáng.

Sau khi tế lễ xong, 17 “ông lợn” sẽ được đưa về các thôn, xóm để chia cho người dân.

Trước đó, sau khi đã thịt, “ông lợn” sẽ được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong để tạo dáng chống mình lợn lên cao và được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2 m tạo dáng cho “ông lợn”.

Theo quan niệm, “ông lợn” khi cho lên kiệu để tế lễ có dáng và da càng đẹp thì dân làng tin rằng trong năm ấy sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn và ngược lại. Do đó, trong tất cả công đoạn đều phải làm chỉnh chu và tận tâm.

Việc trang trí “ông lợn” sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 tiếng và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay.

Được biết, quá trình nuôi “ông lợn” cũng rất khắt khe, từ quá trình chọn giống, con giống phải đảm bảo theo yêu cầu là đuôi dài, đầu mặt vuông, chân móng phải gọn vững chắc để trong quá trình nuôi có thể gánh được trọng lượng của “ông lợn” từ 220 đến 250 kg móc…

Điều đặc biệt là lớp áo choàng chính là lớp mỡ được bóc ra từ “ông lợn”.

Những “ông lợn” phải được trang trí đơn giản nhưng lại mang tính thẩm mỹ cao.


Hữu Hưng