Hé lộ khinh khí cầu khổng lồ bí ẩn của Trung Quốc ở sa mạc

Khinh khí cầu trên xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh do đài CNN thu được. Các chuyên gia hàng không vũ trụ cho biết hình ảnh được chụp khoảng 3 tháng trước khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina.

Công ty hình ảnh vệ tinh BlackSky (Mỹ) đã chụp được khinh khí cầu dài khoảng 30 m tại căn cứ xa xôi ở vùng sa mạc phía Tây Bắc Trung Quốc. Các chuyên gia hàng không vũ trụ sau khi xem xét hình ảnh đã kết luận rằng đó là một khinh khí cầu cùng với đường băng và nhà chứa khinh khí cầu khổng lồ dài 275 m.

Các chuyên gia hàng không vũ trụ sau khi xem xét hình ảnh đã kết luận rằng đó là một khinh khí cầu cùng với đường băng và nhà chứa khinh khí cầu khổng lồ dài 275 m. Ảnh: CNN

Giám đốc điều hành Viện hàng không vũ trụ Oklahoma (Mỹ) Jamey Jacobs bình luận khinh khí cầu trên có thể ví như “tàu ngầm trên trời”. Nó dường như có khả năng đẩy và điều hướng chuyên dụng nên có thể “án binh bất động” tại căn cứ trong một thời gian dài.

“Đây thực sự là bước nhảy vọt (của Trung Quốc) về mặt kỹ thuật và hỗ trợ nghiên cứu khinh khí cầu” – ông Jacob nhận định.

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ không bình luận về mối đe dọa tiềm tàng của khinh khí cầu trên nhưng tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ quan tâm sau khi nó được phát hiện trong hình ảnh vệ tinh.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) không bình luận khi đài CNN liên hệ để hỏi về vấn đề trên.

Sự cố khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ hồi tháng 1 năm nay đã gây ra sự chú ý lớn. Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation (Mỹ) năm 2018, Bắc Kinh được cho là rất hứng thú với khinh khí cầu bởi chúng ít tốn kém và ít gây thiệt hại nếu bị phá hủy so với máy bay do thám.

Nhà nghiên cứu về chương trình khinh khí cầu của Trung Quốc nhiều năm qua, Eli Hayes, cho rằng việc phát hiện khinh khí cầu tại căn cứ quân sự đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong công nghệ và nghiên cứu khinh khí cầu của Bắc Kinh, đặc biệt là nó không chỉ phục vụ mục đích dân sự nữa.


Phạm Nghĩa