Hệ thống thủy lợi làm đổi thay Bình Thuận

Do thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa luôn đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước nên diện tích đất canh tác nông nghiệp ở Bình Thuận bị hạn chế, những năm trước, tình trạng sa mạc hóa tại đây lan rộng. Để khắc phục, tỉnh Bình Thuận sớm định hướng đầu tư thủy lợi lên ưu tiên hàng đầu trong các chính sách.

Năm 1988, hồ thủy lợi Sông Quao được khởi công và hơn 10 năm công trình mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Tháng 4-2010, dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi công xây dựng, với năng lực thiết kế tưới 27.090 ha, bảo đảm nước tưới cho cả 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. “Từ ngày có thủy lợi Tà Pao, người dân sản xuất lúa lên thành 3 vụ/năm. Nhiều hoạt động nông nghiệp khác như nuôi trồng thủy sản lồng bè từ đó cũng phát triển giúp đời sống người dân cải thiện hơn” – anh Lương Văn Thoại (nông dân xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh) nói.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, Bình Thuận là một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha. Đến nay toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực thiết kế tưới 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3.

Đập dâng Tà Pao góp phần điều tiết nước hiệu quả cho khu vực Đức Linh và Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận

Trong giai đoạn này, Bình Thuận dồn sức đầu tư để hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như: hồ Sông Quao (tưới 8.120 ha), Cà Giây (tưới 3.965 ha), sông Lòng Sông (tưới 4.260 ha), dự án Phan Rí – Phan Thiết (tưới 15.700 ha), đập dâng Tà Pao (tưới 27.090 ha)…; ưu tiên đầu tư các kênh chuyển nước đến các vùng khô hạn và bãi ngang ven biển.

Nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối mạng thủy lợi, đến nay tỉnh Bình Thuận đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hằng năm, xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch, cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021). Trong đó, nước tưới lúa đông xuân 3.150 ha tăng lên 29.460 ha, thanh long từ 700 ha lên 21.050 ha. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt 38,2 triệu m3 năm 2021. 

“Nhờ chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh, tạo đà phát triển nông nghiệp nông thôn. Qua đó cũng góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc. Đây là một thành quả hết sức ý nghĩa cho một tỉnh khô hạn như Bình Thuận” – ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết.


Bài và ảnh: Châu Tỉnh