Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Hơn 20 năm nay, thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp chúng tôi bắt đầu tăng công suất hoạt động vì có nhiều công trình xây dựng mới, trong đó có những công trình gối đầu của năm trước chuyển sang thi công năm sau.

Công nhân không thiếu việc để làm. Thế nhưng hiện nay, doanh nghiệp không có nhiều công trình mới, một số công trình cũ đã hoàn thành và bàn giao, công nhân “nằm chờ việc” ngoài công trường.

Chưa kể, một số công trình nhiều năm trước doanh nghiệp đã bỏ vốn, thậm chí vay vốn ngân hàng để thi công, xây dựng và đã bàn giao nhưng chủ đầu tư khó khăn về vốn nên chưa thể giải ngân. Có công trình nhỏ, doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng do thiếu vốn thi công nên đành bỏ thầu…

Khó khăn chồng chất, doanh nghiệp đã và đang nợ lương kéo dài hơn 3 tháng dù trước đây chưa bao giờ nợ tiền lương và các khoản chi phí về thuế, BHXH. Điều đó cũng đồng nghĩa đời sống của hàng trăm người lao động lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Để bảo đảm đời sống của người lao động cũng như giải quyết những khó khăn trước mắt, doanh nghiệp đã chủ động làm hồ sơ vay vốn nhưng vẫn đang trong thời gian chờ ngân hàng xem xét.

Hoàn cảnh của doanh nghiệp chúng tôi thiết nghĩ cũng là của không ít doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thi công, xây dựng. Để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ngoài việc cần nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ tín dụng, rất cần có các chính sách tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng.

Bởi dù Ngân hàng Nhà nước đã cấp và nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hiện nay hạn mức cũng còn quá thấp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là khi doanh nghiệp không còn hạn mức hoặc hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng vẫn xếp hàng chờ đợi để được giải ngân trong khi nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng”, khó khăn chồng chất.

Nên chăng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xem xét nới room tín dụng, tăng cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn vốn vay, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh, bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động; đồng thời giải quyết được các khoản nợ đọng, chậm đóng về thuế, phí, BHXH.

Ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhanh chóng đẩy mạnh việc giải ngân cho các doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn vay khi đã hội đủ các điều kiện hoặc khi doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng trả nợ cùng lãi vay trong tương lai một khi đã tiếp cận đầy đủ nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ngoài việc tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất như hiện nay, doanh nghiệp cũng rất cần tiếp tục được miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về BHXH để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh.


Nguyễn Đước