Học sinh Việt Nam vô địch cuộc thi lập trình robot tại Singapore

Cuộc thi được ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) tại Singapore và GaraSTEM, đơn vị về công nghệ giáo dục tại Việt Nam, tổ chức. Trước ngày thi đấu, thí sinh được học về lập trình robot với sự hướng dẫn của GS Xie Ming, Trưởng Khoa Robotics tại NTU. Cuộc thi thu hút học sinh trung học, trung học phổ thông tại khu vực Đông Nam Á cùng tham gia tranh tài. 

Vượt qua nhiều vòng thi với hàng chục thí sinh, Ngô Đình Gia Bảo đã đoạt được giải vô địch với giải thưởng trị giá 2.000 đô la. 

Ngô Đình Gia Bảo, học sinh lớp 11 Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG TP HCM, vô địch tại cuộc thi lập trình Robot Youth maker – MyOr. Ảnh: NVCC

Chia sẻ sau cuộc thi, Gia Bảo cho biết kiến thức lập trình trên sách giáo khoa rất khác khi áp dụng vào thực tế. Em phải chú ý và tính toán kỹ các yếu tố môi trường, như lực ma sát, đồng thời phải tối ưu, điều chỉnh để robot được hoạt động. 

Qua đó, Gia Bảo học được kỹ năng phân tích giải pháp, giải quyết vấn đề và lập luận logic. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều thí sinh quốc tế nên em có dịp kết bạn, học hỏi, chia sẻ sở thích và giao lưu văn hóa.

“Từ lâu em đã hứng thú với môn lập trình và tìm nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi để trải nghiệm. Trong tương lai, em muốn học ngành Khoa học Máy tính nên cuộc thi này hoàn toàn phù hợp” – Gia Bảo bày tỏ.

Ngô Đình Gia Bảo cùng bạn bè thử nghiệm trước khi vào cuộc thi. Ảnh: NVCC

Học lập trình robot là một trong những phương pháp của mô hình giáo dục STEM, là sự tích hợp các yếu tố khoa học (S), Công nghệ (T), kỹ thuật (E) và toán học (M) vào giáo dục – đào tạo. Đây được xem là chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các cường quốc như Mỹ, Nhật. Không nằm ngoài xu thế đó, Bộ GD-ĐT cũng đã tích hợp mô hình STEM vào chương trình giảng dạy cho học sinh cấp hai và ba. 

Có thể thấy sức hút của mô hình giáo dục STEM không chỉ ở trải nghiệm thực tế với kiến thức khoa học – kỹ thuật mà còn ở việc bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất của một công dân toàn cầu như khả năng giải quyết vấn đề, hòa nhập quốc tế, tính đổi mới sáng tạo. Đây là những kỹ năng mềm cần thiết để các em từng bước trở thành nhân lực chất lượng cao cho quốc gia và khu vực. 


Ng.Thuận