Chiều 9-6, PGS-TS Phạm Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) – cho biết khoảng 1 tháng qua, các bệnh viện tại khu vực miền Tây Nam Bộ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi tay chân miệng nặng, nguy kịch (độ 3, 4).
Trong đó, tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, các bác sĩ đã hội chẩn từ xa với bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 để cứu sống người bệnh kịp thời.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng được các bác sĩ kịp thời lọc máu
Mới đây, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận bệnh nhi N.P.N (23 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) trong tình trạng sốt cao kèm giật mình chới với.
Qua thăm khám, bé N. được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A. Tuy nhiên, chỉ sau khi nhập viện 2 giờ, bệnh nhi diễn tiến nặng sang độ 3 với triệu chứng giật mình nhiều, mạch nhanh và tăng huyết áp.
Các bác sĩ đã điều trị đặc hiệu bằng thuốc Immunoglobulin, vận mạch, chống co giật. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, bé sốt cao liên tục, suy hô hấp nặng được đặt nội khí quản thở máy, rối loạn huyết động học với mạch nhanh 200 lần/phút, huyết áp thấp đe dọa tính mạng.
Các bác sĩ đã lập tức hội chẩn từ xa với PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1 để chuyển lên tuyến trên.
“Tình trạng bệnh nhi rất nặng, việc chuyển viện không an toàn có thể tử vong trên đường đi. Vì vậy, qua hội chẩn từ xa, chúng tôi đã hướng dẫn bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cách xử trí và tiến hành kỹ thuật lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhi N. đã xuất viện khỏe mạnh, không di chứng thần kinh” – bác sĩ Quang chia sẻ.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi L.T.A (28 tháng tuổi) bị tay chân miệng độ 4, phù phổi cấp đe dọa tính mạng. Sau khi hội chẩn từ xa và được hướng dẫn lọc máu, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.
Theo bác sĩ Quang, lọc máu là phương pháp điều trị hiệu quả góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tay chân miệng nặng. Nhưng đây là một kỹ thuật rất khó do trẻ nhỏ (nhỏ tuổi, nhỏ ký) và tình trạng nặng nên dễ thất bại.
“Qua 2 trường hợp này, chúng tôi muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh cần chú ý bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa. Đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, bệnh nhi được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời” – bác sĩ Quang cảnh báo.
Bác sĩ Quang cũng khuyến cáo khi bệnh nhi có các dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối … cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi bệnh nhi có kèm dấu hiệu giật mình, chới với.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chơi với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt … Khi có các dấu hiệu này, cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.