Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Trong khuôn khổ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15.2.1913 – 15.2.2023), sáng 15-2, tại Bến Tre, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre”.

Hội thảo là hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Bến Tre.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại hội thảo

Tham dự và chủ trì hội thảo có GS-TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Lê Đức Thọ – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre…

Về phía lãnh đạo TP HCM có ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.

Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, như: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cứu nước của ông; những cống hiến to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; những đóng góp của ông trong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Huỳnh Tấn Phát – một trí thức tài ba, ngọn cờ tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một nhân cách văn hóa lớn, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời; Huỳnh Tấn Phát với Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh Bến Tre đã có những hoạt động vinh danh xứng đáng các anh hùng, liệt sĩ, những cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng và nhà nước, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát, nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát quê quán tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, khi là thanh niên, với tấm bằng kiến trúc sư hạng ưu, là một trí thức thượng lưu nhưng ông đã tự nguyện, tự giác từ bỏ vinh hoa phú quý để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước, từ trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình tham gia cách mạng và cho đến cuối cuộc đời, từ một người cán bộ tuyên truyền, vận động của Đảng, hoạt động sôi nổi, tích cực trong phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở Nam kỳ, phong trào cứu tế nạn đói ở Bắc kỳ, phong trào Thanh niên Tiền phong, cho đến cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí từng kiêm nhiệm các chức danh như Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và được chỉ định làm Đại diện thường trực của nước ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa…

Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn luôn là một người cán bộ mẫn cán, tận lực, tận tâm, hết mình với công việc, bằng tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng tiến công và kiên định. Kinh qua nhiều vị trí công tác, với tài năng, nghệ thuật và đạo đức cách mạng của mình, đồng chí luôn phát huy tốt vai trò trung tâm trong đoàn kết các lực lượng trí thức, các thành phần dân tộc, tôn giáo và nhân dân hướng theo cách mạng và chiến đấu, cống hiến vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hiện, tỉnh Bến Tre có 3 ngôi trường, 2 con đường mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Tỉnh Bến Tre đang hoàn chỉnh thiết kế dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đền thờ Huỳnh Tấn Phát thành khu lưu niệm, chuẩn bị trình xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương. Ngoài ra, ở huyện Bình Đại và TP HCM còn có quỹ học bổng mang tên đồng chí Huỳnh Tấn Phát. 

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa.

“Sau hội thảo khoa học hôm nay và các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các công việc nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng. Từ đó, tiếp tục vun đắp truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào của dân tộc, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên, với khát vọng phát triển mạnh mẽ, chủ động khai thác tối đa cơ hội, thời cơ phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh Bến Tre và cả nước phát triển thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” – ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, năm 2022, trong và sau đại dịch COVID-19, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Kết quả, Bến Tre đã thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu.

Bến Tre đã và đang chủ động, quyết liệt tổ chức cụ thể hóa, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nghị quyết của tỉnh, chuẩn bị cho việc sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh vào năm 2023, nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.


TÂM QUÂN