Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước

Hội nghị Nước Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 2023 khai mạc tại trụ sở LHQ tại TP New York – Mỹ hôm 22-3 (giờ địa phương). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Theo Reuters, LHQ đã sử dụng hội nghị thế giới về an ninh nước đầu tiên trong hơn 45 năm để thúc giục chính phủ các nước quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên chung này.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo về tình trạng phí phạm nguồn tài nguyên quan trọng nhất của thế giới, đồng thời cho biết khoảng 1/4 dân số toàn cầu hiện phải uống nước không an toàn trong lúc 1/2 dân số thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản. Trong khi đó, gần 3/4 thảm họa gần đây đều liên quan đến nước.

Theo Reuters, mục tiêu của sự kiện kéo dài 3 ngày nói trên là thiết lập “Chương trình Hành động nước” với các cam kết tình nguyện và tạo ra “động lực chính trị”. Các chính phủ, cơ quan LHQ, lãnh đạo doanh nghiệp… đã đăng ký hơn 500 cam kết về đầu tư vào hệ thống nước và vệ sinh, cũng như về nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị Nước Liên Hiệp Quốc hôm 22-3Ảnh: VGP

Đáng chú ý, ngay trước khi hội nghị khai mạc, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield công bố cam kết mới từ chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo đó Washington sẽ đầu tư 49 tỉ USD vào nước và vệ sinh ở trong và ngoài nước Mỹ.

Bà Thomas-Greenfield cho biết số tiền này sẽ giúp tạo công ăn việc làm, ngăn chặn xung đột, bảo vệ sức khỏe công chúng, giảm nguy cơ đói và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên, quan chức này không công bố chi tiết về khoản đầu tư trên, như tiền sẽ được chi khi nào và ở đâu mà chỉ nhấn mạnh đây là vấn đề cần sự hợp tác toàn cầu để đối phó.

Phát biểu tại hội nghị hôm 22-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu bật tầm quan trọng của việc thiết lập chuẩn mực đạo đức trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước. Theo Phó Thủ tướng, hoạt động phục hồi tài nguyên nước phải được thực hiện trong mối quan hệ toàn diện, tổng thể cùng với nỗ lực toàn cầu về phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý toàn cầu dựa trên khoa học để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước, đồng thời khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.

Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện, củng cố khung thể chế, chính sách, bảo đảm người dân được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh; cam kết bảo đảm phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Theo TTXVN, Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác với các nước về trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; tham gia các chương trình hành động, sáng kiến hợp tác về nước, an ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu xuyên biên giới, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước, góp phần cho nỗ lực toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững. 

Những dự báo đáng lo

Theo báo cáo được LHQ công bố trước thềm hội nghị, thế giới hiện đối mặt nguy cơ xảy ra khủng hoảng nước đe dọa vượt tầm kiểm soát khi nhu cầu càng tăng và nguồn tài nguyên này đối mặt sức ép lớn từ biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho biết việc sử dụng nước đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong 40 năm qua do dân số tăng và mô hình tiêu thụ thay đổi. Đến năm 2050, số lượng người ở các thành phố phải đối mặt tình trạng khan hiếm nước sẽ tăng lên 2,4 tỉ, so với con số 930 triệu người năm 2016.

Ngoài ra, nhu cầu nước đô thị dự kiến tăng 80%. Theo đài CNN, ông Richard Connor, chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và là tác giả chính của báo cáo, cảnh báo nếu không có giải pháp cho tình trạng thiếu nước, khủng hoảng toàn cầu chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo thống kê, 10% dân số thế giới hiện sống ở các quốc gia có tình trạng căng thẳng về nước cao hoặc nghiêm trọng. Tình trạng khan hiếm nước theo mùa được dự báo sẽ gia tăng ở Trung Phi, Đông Á, một số vùng ở Nam Mỹ.

Trong khi đó, Trung Đông và vùng Sahel ở châu Phi đang chứng kiến nguồn cung nước bị thiếu hụt và vấn đề này sẽ ngày một nghiêm trọng. Một số giải pháp được nói đến là cải thiện hợp tác quốc tế để tránh xung đột về nước, nỗ lực kiểm soát lũ lụt và ô nhiễm, chia sẽ dữ liệu, giảm ô nhiễm, thiết lập các cơ chế quốc tế mạnh mẽ…

Anh Thư


Hoàng Phương