Khi người đứng đầu nhận trách nhiệm

Thực trạng hiện nay đang nổi lên ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị là tâm lý cán bộ sợ sai, làm việc cầm chừng, chiếu lệ. Họ cứ thủng thẳng theo lối mòn, trong khi nhu cầu công việc đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Kết quả là nhiều chương trình, dự án chậm trễ, giải ngân vốn đầu tư công nhỏ giọt, gây lãng phí. Nhiều cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy mặc tình để công việc ùn ứ, gây bức xúc trong dân, nhưng người đứng đầu thì vẫn được bình bầu, nhận lãnh các danh hiệu thi đua khen thưởng.

Trong bối cảnh đó, mặc dù TP HCM đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19, nhưng Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã tự hạ một bậc thi đua vì tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của thành phố chỉ đạt 68%, thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao. Đó là một một “tiền lệ đẹp” về trách nhiệm nêu gương, nhưng điều quan trọng hơn là sự chuyển biến trách nhiệm tiếp theo của những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong toàn bộ máy. 

Tương tự TP HCM, Cần Thơ cũng là một trong những địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp. Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ và các dự án trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ, lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP yêu cầu những ai không làm được thì xin chức nhỏ hơn hoặc chuyển công tác.

Tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của TP HCM chỉ đạt 68%, thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao

Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của mọi tổ chức, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành bại. Cán bộ công chức cũng là con người với những điểm mạnh, điểm yếu cần được tổ chức, nhân dân giám sát để luôn rèn luyện, nâng cao năng lực.

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, cần khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa cán bộ có tư duy sáng tạo, có cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong thực thi công vụ. 

Bên cạnh đó, không chỉ là sự kêu gọi trách nhiệm chung chung mà phải tạo ra sức ép trách nhiệm, buộc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm chính trị đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy và cán bộ dưới quyền mình.

Muốn vậy, phải có cơ chế trách nhiệm rõ ràng để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hoặc xem xét điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. 

Việc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, xét các danh hiệu thi đua phải thực chất, dựa trên hiệu quả công việc cụ thể, thay vì đánh giá chung chung, bỏ phiếu qua loa sẽ nâng cao chất lượng cho đội ngũ và nền hành chính công. Phải yêu cầu các chức danh này xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã tự hạ một bậc thi đua vì tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 của Thành phố chỉ đạt 68%, thấp hơn chỉ tiêu 95% được giao

Các chức danh lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước ta vừa là đảng viên, vừa là cán bộ công chức do cấp ủy của Đảng đề cử, phân công công tác tại các vị trí chủ chốt tại các cơ quan Nhà nước. Có hay không những quyết định lãnh đạo, quản lý điều hành tác động, ảnh hưởng đến đối tượng quản lý, đặc biệt là đối với dân? Ngoài cơ chế giám sát trong Đảng, tổ chức, rất cần được nhân dân giám sát 360 độ.

Tất nhiên, công việc liên quan con người sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lĩnh vực khác. Đánh giá công chức là khâu then chốt trong công tác cán bộ. Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã áp dụng phương pháp phản hồi 360 độ vào khu vực công. Chất lượng giám sát, đánh giá chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như chủ thể, tiêu chí, thời điểm, mục đích, phương pháp, công cụ và quy trình đánh giá.

Mấu chốt của công tác cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tạo động lực làm việc, trách nhiệm cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý hay từng vị trí công việc trong bộ máy chứ không phải làm vừa lòng cấp trên. 

Người đứng đầu bộ máy quản lý, bộ phận bên cạnh việc luôn “bị soi” của tập thể, vẫn cần có thực quyền quyết định êkíp làm việc; quyền nhận xét, đánh giá cấp dưới; quyền chọn lựa và loại thải những người giúp việc mình chứ không phải cứ chờ tập thể quyết, lấy tập thể làm bình phong dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe” và “trên không nghe dưới phản ánh”.

Phía sau trách nhiệm nêu gương của Chủ tịch UBND TP HCM về việc nhận trách nhiệm cá nhân, người dân đang quan tâm, chờ đợi sự chuyển biến của cả bộ máy công quyền không chỉ của một địa phương mà là bộ máy công vụ nói chung.


TS Trần Hữu Hiệp