Kho báu vũ trụ triệu đô rơi trước nhà: Tiết lộ sự hình thành Trái Đất

Theo Live Science, kết quả phân tích mới nhất cho thấy kho báu vũ trụ này có thể giải đáp được bí ẩn về nguồn gốc của nước trên Trái Đất.

Tảng đá không gian này có niên đại lên tới 4,6 tỉ năm tuổi, tức còn “già” hơn Trái Đất 4,54 tỉ năm tuổi của chúng ta. Nó đã rơi xuống con đường để lái xe vào ga-ra của một ngôi nhà ở thị trấn Winchcombe tại nước Anh, được người dân sống ở đó thu thập rất “chuyên nghiệp” và thông báo cho cơ quan chức năng.

Thiên thạch Winchcombe, kho báu vũ trụ ngoài mong đợi của nước Anh – Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN

Nhờ được thu thập sớm, đúng kỹ thuật và cả cú hạ cánh may mắn, thiên thạch Winchcombe giữ được độ tinh khiết, hầu như không bị ô nhiễm bởi các yếu tố môi trường từ Trái Đất và nhờ thế trở thành một khó báu vũ trụ mà các nhà khoa học khắp thế giới đặt kỳ vọng.

Nó cũng thuộc loại thiên thạch chondrite carbon (CC), loại thiên thạch giàu carbon quý hiếm mà các cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới như NASA của Mỹ hay NASA của Nhật đã chi hàng trăm triệu đô cho các sứ mệnh thu thập mẫu CC từ các tiểu hành tinh cổ đại.

“Một trong những câu hỏi lớn nhất của cộng đồng khoa học là làm thế nào chúng ta đến được đây. Phân tích này về thiên thạch Winchcombe cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách Trái Đất có nước – nguồn gốc của sự sống” – nhà khoa học địa chất hành tinh Luke Daly từ Trường Đại học Glasgow (Anh), đồng tác giả, cho biết.

Theo tác giả chính Ashley King từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (London – Anh), thiên thạch này “mang lại một cái nhìn thoáng qua đầy mê hoặc về thành phần ban đầu của hệ Mặt Trời”. Nó đã được thu thập chỉ vài giờ sau khi rơi xuống và trở thành một trong những thiên thạch nguyên sơ nhất từng được loài người tìm thấy.

Nhóm nghiên cứu đã đánh bóng, nung nóng, bắn phá một mẩu nhỏ của thiên thạch này bằng tia X và tia laser, cho thấy nó đến từ một tiểu hành tinh bay quanh quỹ đạo Sao Mộc và có 11% khối lượng là nước.

Hydro trong kho báu vũ trụ này có 2 dạng, một là hydro bình thường, hai là một đồng vị đặc biệt gọi là deuterium, có biệt danh “nước nặng”. Tỉ lệ hydro và deuterium bên trong nó cũng đồng nhất với tỉ lệ ở trên Trái Đất, cho thấy nước trong hai vật thể có cùng nguồn gốc.

Chính những “người bạn” của thiên thạch Winchcombe rơi xuống Trái Đất sớm hơn – vào giai đoạn đầu hành tinh hình thành – đã gieo mầm các đại dương trên địa cầu. Chưa kể, chúng từng được cho là mang theo cả những khối xây dựng sự sống.

Kho báu vũ trụ của nước Anh quả thật đã mang theo đầy đủ những thứ mong đợi, bao gồm các axit amin, chính là thành phần cấu thành protein, viên gạch đầu tiên của sự sống.


Anh Thư