Khó tính toán chi phí công nghệ thông tin trong bệnh viện

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đã chia sẻ thông tin trên tại buổi giám sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM vào ngày 25-10.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP HCM

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết bệnh viện đã ứng dụng CNTT từ lâu. Đến nay, tại đây đã ứng dụng CNTT trong trong mọi hoạt động khám chữa bệnh hỗ trợ, giúp ích cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.

Cụ thể: Tại khu vực ngoại trú đã triển khai số hóa các chứng từ, lấy số thứ tự đăng ký khám bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc, phần mềm cảnh báo khi nghe tên thuốc giống nhau (ví dụ Hapacol và Haloperidol) hoặc thuốc không phù hợp với phác đồ điều trị…

Tại khu vực nội trú đã số hóa các tờ điều trị hướng tới bệnh án điện tử, phần mềm duyệt thuốc online, phần mềm giám sát sử dụng kháng sinh, phầm mềm đấu thầu thuốc, quản lý giường bệnh…

Theo bác sĩ Minh, bên cạnh những thuận lợi, tại bệnh viện khi ứng dụng CNTT còn có một số khó khăn như: phần mềm được bệnh viện xây dựng từ những năm 1994 đến nay các phẩn mềm bị lỗi thời, hệ thống không mang tỉnh tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời. Bên cạnh đó, lượng dữ liệu hiện tại của bệnh viện rất lớn nên sẽ khó khăn trong việc chuyển đổi, nâng cấp và tương thích dữ liệu sang hệ thống mới…

Đặc biệt, chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhân viên CNTT chất lượng cao làm trong môi trường bệnh viện, dẫn đến việc giữ nhân sự chất lượng cao gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, bệnh viện đã vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng giá viện phí chưa cấu thành đủ các yếu tố, trong đó có chi phí công nghệ thông tin, điều này gây khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng…

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), chia sẻ thông tin tại buổi làm việc

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết chi phí cho CNTT rất khó để tính toán. “Bệnh viện đã đầu tư CNTT mấy chục năm qua, thời đầu 1 máy tính cả chỉ vàng, hồi đó quý lắm chứ bây giờ rẻ. Hiện để thay thế linh kiện máy móc hư hàng năm khoảng 3 tỉ, bảo hành hệ thống, thuê phần mềm,… khoảng 5 tỉ đồng. Riêng thời gian này phải đầu tư nhiều hơn, bệnh viện để sẵn cân đối khoảng 25 tỉ đồng để sẵn sàng thuê hệ thống PACs (hệ thống lưu trữ và hình ảnh y khoa)” – bác sĩ Hùng nói.

Trước kiến nghị của bệnh viện, đại diện Sở Tài chính TP HCM cho biết đề án sẽ thực hiện đến năm 2030 và có nhiều nguồn kinh phí để thực hiện. Trong đó, ngân sách nhà nước chiếm hơn 1.000 tỉ đồng và phân theo giai đoạn. Giai đoạn từ 2022-2023, tổng kinh phí là gần 100 tỉ đồng, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo nhu cầu.

Về việc máy tính không mua sắm kịp thời, bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, nếu sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp không bắt buộc bệnh viện mua sắm tập trung.

Về cơ chế thu hút đội ngũ công nghệ thông tin, Sở Tài chính cho biết bệnh viện là đơn vị sự nghiệp có khoản thu nhập tăng thêm theo cơ chế tự chủ, trong phạm vi tài chính mình có, bệnh viện có thể tự chủ động trong vấn đề này.

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP HCM, cho biết đề án y tế thông minh có 4 mục tiêu cụ thể, huớng đến ngành y tế có trung tâm điều hành chung, đặc biệt hướng đến người bệnh. 

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP HCM, kết luận buổi làm việc

Vì vậy, làm sao để bác sĩ không làm những công việc không tên, tập trung chăm lo người bệnh và thời gian chuyên môn. Do đó, mong muốn bệnh viện tiếp tục phát huy vai trò của CNTT, tích hợp các thẻ dùng chung thông minh với các tiện ích khác, sự liên thông giữa các khoa, phòng…


Tin, ảnh: Hải Yến