Kinh tế ban đêm đang chuyển biến tích cực (*): Không chỉ có ẩm thực và chợ đêm

Đến TP HCM, ngoài tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử và mua sắm, rất nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khi thưởng thức ẩm thực tại các chợ đêm. Không chỉ là một món ăn, họ biết thêm sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.

Nơi đông đúc, nơi hóng khách

Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi tìm đến phố ẩm thực Vĩnh Khánh dài hơn 1 km nằm trên đường Vĩnh Khánh, giao đường Bến Vân Đồn đến đường Tôn Đản, đi qua các phường 8, 9, 10 thuộc quận 4. Nơi đây còn tên gọi khác là “phố ốc” với hàng loạt những quán lẩu, quán ốc, đồ ăn vặt… hoạt động hết sức nhộn nhịp từ 18 giờ đến tận khuya.

Từ 16 giờ, các hàng quán đã bắt đầu kê bàn ghế, bày nguyên liệu tươi sống được chuẩn bị sẵn lên những khay, kệ bắt mắt và chuẩn bị đón khách. Càng về đêm, không khí nhộn nhịp, náo nhiệt trên đường Vĩnh Khánh càng rõ rệt khi thực khách mỗi lúc một đông. Thực khách tìm đến đây đa phần là các bạn trẻ có nhu cầu họp mặt bạn bè ăn uống, đặc biệt là dịp cuối tuần. Không chỉ khách trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến đây để thưởng thức hải sản và những món ăn đường phố đặc trưng.

Phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4, TP HCM) thu hút đông thực khách vào ban đêm. Ảnh: ANH VŨ

Chị Khánh Tâm (ngụ quận 3, TP HCM), người thường xuyên cùng bạn bè tụ tập cuối tuần ở Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, cho biết đây là một trong những con đường hình thành lâu đời với nhiều món ăn đa dạng, giá cả hợp lý. Chính sự đa dạng của món ăn đã níu chân thực khách, khiến thực khách nhớ hoài và ưu tiên lựa chọn trong rất nhiều hàng quán.

Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) với hơn 100 gian hàng đa dạng cũng tấp nập người ra vào từ chiều đến đêm. Nơi đây không chỉ là phố ẩm thực mà còn được xem là phố hoa tại TP HCM.

Tương tự, tuyến đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đang được quận chuẩn bị triển khai phố ẩm thực, các quán ăn, nhà hàng hoạt động nhộn nhịp. Một đoạn đường khoảng 1,5 km nhưng có gần 300 hộ kinh doanh ăn uống với hàng trăm món ăn đa dạng trong nước lẫn nước ngoài, thu hút khá đông thực khách, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.

Trái với hình ảnh nhộn nhịp, tấp nập của 2 phố ẩm thực trên, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) mở cửa hoạt động từ cuối năm 2022, dù nằm ngay trung tâm thành phố nhưng có phần đìu hiu hơn. Phố ẩm thực này chủ yếu bán các món ăn vặt như tré trộn, heo quay, bánh tráng trộn, nước uống… Không gian các quán ăn nhỏ hẹp, chủ yếu bày 1-2 bộ bàn ghế nên khó níu chân khách ngồi lại, đây cũng là hạn chế khiến phố ẩm thực kén khách. Một số hộ kinh doanh đã trả mặt bằng vì buôn bán ế ẩm.

Cần xây dựng những tuyến phố đặc trưng

Không phải phố đi bộ, phố ẩm thực ban đêm nào cũng hấp dẫn khách tham quan, nhất là khách du lịch. Bởi hầu hết những nơi này đều kinh doanh các món ăn đường phố giống hoặc na ná nhau. Chưa nhiều tuyến phố đêm có thêm các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tạo sự đa dạng cho khách.

Ngay cả phố đi bộ Nguyễn Huệ, khách đến cũng chỉ để hóng mát, ăn uống… và thỉnh thoảng còn bị làm phiền bởi hàng rong. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ, vui chơi giải trí chủ yếu là tự phát, chưa có hoạt động quy mô theo định kỳ để phục vụ khách du lịch. Hay Đường sách TP HCM từng được xem là mô hình phố đi bộ khá ấn tượng, mới mẻ, mọi người thường hẹn nhau ở đường sách cho có “năng lượng văn hóa” nhưng ở đây cũng chủ yếu là bán sách và quán cà phê. Do đó, để mô hình này thành công hơn nữa, thu hút khách đến thường xuyên hơn cần được đầu tư bài bản, cần thêm những hoạt động khác để đáp ứng được nhu cầu, tiếp cận với nhiều điểm tham quan, thêm hoạt động cho du khách trải nghiệm.

Nhìn chung, nhiều tuyến phố đi bộ của TP HCM bên cạnh điểm sáng góp phần thúc đẩy kinh tế ban đêm, vẫn còn đơn điệu, chưa có sự đa dạng, mang tính chất tự phát và không có sự độc đáo. Chưa kể còn phát sinh vấn đề về vệ sinh, an ninh, giao thông, thiếu chỗ giữ xe và nhà vệ sinh công cộng, lấn chiếm lòng đường và vỉa hè… khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly nhận định việc xây dựng kinh tế ban đêm với bước đầu hiện tại là các phố đi bộ, phố ẩm thực là cần thiết. Còn hoạt động như thế nào cho hiệu quả thật sự phải nghiên cứu, học tập các mô hình thành công trên thế giới. Học cả những mô hình chưa thành công ở các tỉnh, thành trên cả nước để rút kinh nghiệm. 

“Ẩm thực về đêm hiện nay được hiểu đơn giản là kinh tế ban đêm, cũng thu hút lượng khách nhất định. Nhưng đang có sự trùng lắp, lặp lại giữa các tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực như ẩm thực chưa phong phú, các hoạt động quảng bá, đầu tư chưa đạt được hiệu quả… Những yếu tố này dẫn tới các phố dần dần không còn thu hút khách nữa. Để kinh tế ban đêm hấp dẫn, cần xây dựng các phố, tuyến đường đặc trưng, nơi này khác nơi kia và luôn luôn phải hỏi tại sao khách đến phố của chúng ta mà không phải nơi khác để làm mới mình” – bà Phan Yến Ly góp ý.

Để các phố ẩm thực, phố đi bộ thu hút du khách, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng địa phương cần tổ chức bài bản, nâng tầm phố ẩm thực bằng việc định hướng cả về trang trí lẫn thực phẩm. Chẳng hạn, phố ẩm thực cần thu hút du khách đầu tiên bằng việc quy hoạch theo tiêu chuẩn đồng bộ, ưa nhìn, bắt mắt. 

Cần bảo đảm các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến nhà vệ sinh; xây dựng bãi gửi xe, tránh tình trạng để xe lấn chiếm lề đường. Quan trọng không kém, phố ẩm thực không chỉ dành cho người dân địa phương, phải làm sao thu hút được khách ngoài khu vực và khách quốc tế. Ngoài ra, các địa phương có thể truyền thông sử dụng chéo sản phẩm của nhau để tăng độ nhận diện. Tăng cường hoạt động văn hóa nghệ thuật để tăng sự tương tác, trải nghiệm cho du khách. 

Sẽ xây dựng chợ đêm đa dạng hơn

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương khác, UBND huyện Cần Giờ đề xuất xây dựng chợ đêm chuyên thủy hải sản để phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá đặc trưng của huyện, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân. Theo đó, chợ đêm không chỉ là nơi mua, bán các loại thủy sản tươi sống, đặc sản Cần Giờ, nông sản, hàng lưu niệm, kinh doanh dịch vụ ăn uống mà còn có các hoạt động văn hóa, thể thao đặc trưng vùng biển, biểu diễn diều, diều đèn nghệ thuật, sân chơi cho thiếu nhi, không gian chụp hình lưu niệm…

Tương tự, theo đại diện huyện Hóc Môn chợ đêm của huyện sắp xây dựng không chỉ có các quầy ăn uống thông thường mà ưu tiên các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ… Sản phẩm được kinh doanh phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh trường hợp doanh nghiệp mang hàng tồn kho, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái vào chợ đêm. Ngoài ra, khách đến chợ đêm còn được thưởng thức văn nghệ diễn ra hằng đêm. Chợ đêm cũng bố trí nhà vệ sinh, chỗ giữ xe… và nhiều dịch vụ khác cho khách tham quan.

Chợ đêm duy nhất ở Bình Thuận “chết yểu”

Được khánh thành và đi vào hoạt động từ đầu tháng 6-2016, chợ đêm Phan Thiết đặt trên tuyến đường Nguyễn Gia Tú (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết) với quy mô hơn 170 gian hàng, kinh doanh mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, các đặc sản của Phan Thiết.

Khu chợ đêm đặc trưng đầu tiên đi vào hoạt động trên địa bàn TP Phan Thiết với hy vọng khai thác tiềm năng kinh doanh thương mại về đêm và tạo thêm sự lựa chọn thú vị cho người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, mô hình này chỉ hoạt động tạm ổn trong một thời gian vài tháng, sau đó rơi vào tình trạng cầm chừng, ế ẩm dẫn đến phải đóng cửa.

“Chợ đêm là một mô hình mới đối với người dân Phan Thiết, người dân vẫn chưa biết đến nhiều. Điều quan trọng là chợ đêm không có sức thu hút. Khách đi một lần rồi thôi, không muốn quay lại do hàng hóa không phong phú” – một người dân tại TP Phan Thiết nói.

Theo chính những người từng kinh doanh tại chợ đêm Phan Thiết, yếu tố vị trí không thuận lợi là nguyên nhân khá quan trọng khiến loại hình kinh doanh tiềm năng và lần đầu tiên tổ chức tại Phan Thiết bị “chết yểu”. Mặc dù khu đất dành cho kinh doanh chợ đêm khá rộng và đẹp nhưng 4 mặt xung quanh chợ lại không tiếp giáp với những vị trí thuận lợi như công viên, khu vui chơi…

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư lựa chọn thời điểm khai trương chợ đêm ngay đầu mùa mưa cũng là yếu tố gây bất lợi. Cuối cùng, yếu tố cần bàn tới chính là chất lượng hàng hóa. Những người đã đi mua sắm tại đây đều cho biết chất lượng không khác mấy so với các chợ cấp phường, vì vậy chưa tạo ra sự thu hút đối với người tiêu dùng.

Ch.Tỉnh

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-3


THU HỒNG – ANH VŨ – THÁI PHƯƠNG