Lý giải vì sao người trẻ ở TP HCM khó mua nhà?

Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường và S22M (Tư vấn chiến lược ứng dụng khoa học dữ liệu) của Savills Việt Nam, vừa có bài nhận định việc vì sao người trẻ sống tại TP HCM khó mua nhà dù nhu cầu rất lớn.

Theo bà Giang, TP HCM đang trở thành điểm đến của lượng lớn người trẻ thuộc nhóm lao động có trình độ từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với dân số hơn 10 triệu người, TP HCM có khoảng 55% dân số trong độ tuổi trẻ và 30% trong đó có nhu cầu mua nhà.

Thế hệ trẻ khó mua nhà vì thiếu cung nhà giá thấp

Cũng trong số đó, những người trong độ tuổi từ 25 đến 35 được xem là có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Đối với nhóm tuổi này, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi thu nhập và số dư nhất định để có thể đặt trước một khoản tiền. Tại TP HCM, nhóm khách hàng này thường nhắm đến các căn hộ nhỏ có diện tích từ 50-70m2 ở các khu vực ngoại ô.

Đọc thêm

Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, người trẻ cần có mức thu nhập tối thiểu 30-45 triệu đồng hằng tháng để có thể tích lũy và vay thêm ngân hàng để mua nhà. 

Mặc dù đây là thị trường tiềm năng song nguồn cung phân khúc này hiện không nhiều. Thị phần căn hộ từ 2 – 3 tỉ đồng tại TP HCM rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Điều này dẫn đến lựa chọn hạn chế cho người mua.

Mức giá cũng ở mức cao, không phải ở mức dễ dàng cân nhắc. Bà Giang Huỳnh đánh giá sự mất cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu khiến việc mua một sản phẩm nhà ở phù hợp về mặt vị trí, diện tích và giá cả trở nên khó khăn.

Với tình hình hiện tại, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lựa chọn phù hợp về nhà ở. Đồng thời, chi phí sống tại TP HCM ngày càng tăng cao trong khi thu nhập không tăng theo. Điều này làm cho việc tích trữ thu nhập để có khả năng trả mức giá cao trở nên khó khăn hơn.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự can thiệp của các nhà phát triển bất động sản, Chính phủ và các bên liên quan khác trong việc tăng cường nguồn cung nhà ở với mức giá phù hợp, đồng thời giải quyết vấn đề về địa điểm và diện tích.

Ngoài ra, vấn đề ách tắc lớn nhất đối với thị trường nhà ở hiện tại là thiếu sự phê duyệt quy trình, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn về mặt pháp lý, khiến chủ đầu tư không thể triển khai dự án mới… Các sản phẩm hiện tại trên thị trường, bao gồm đầu tư, cho thuê hầu hết thuộc phân khúc trung đến cao cấp với nhu cầu không phải của số đông.

Ngoài ra, hiện tại thị trường đang trầm lắng và thiếu yếu tố thanh khoản, người dân sẽ có lựa chọn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoặc một kênh đầu tư khác…

Ghi nhận của Savills cho thấy, đối với phân khúc nhà ở hạng C (nhà giá rẻ) nhắm đến đối tượng thu nhập trung bình và người trẻ, việc bán hàng vẫn diễn ra nhưng không đồng đều. Tỷ lệ hấp thụ cao chủ yếu diễn ra ở các dự án có giá bán phải chăng và nằm xa trung tâm. Điều này cho thấy nhu cầu trong phân khúc này vẫn mạnh mẽ và tiềm năng. Đa số khách hàng trong các dự án này là người mua nhà ở lần đầu.

Bà Giang Huỳnh cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là đưa thị trường về trạng thái cân bằng giữa cung và cầu. Dữ liệu từ Savills cho thấy điều đó chỉ có thể xảy ra từ năm 2024 trở đi, khi một số dự án về phân khúc nhà ở vừa túi tiền bắt đầu hoạt động trở lại. Điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện tại là vấn đề pháp lý dự án. Khi điểm nghẽn đó được giải quyết, thị trường bất động sản sẽ từ từ hồi phục và trở lại hoạt động.


Sơn Nhung