Mar-a-Lago: “Ác mộng” của tình báo và an ninh Mỹ

Không khí náo nhiệt chẳng kém hộp đêm, khách mời tấp nập cùng tính cách của chủ sở hữu đã biến Mar-a-Lago thành một cơn ác mộng đối với nỗ lực bảo vệ những thông tin tuyệt mật nhất của chính phủ Mỹ, đài CNN ngày 15-8 dẫn lời một cựu quan chức tình báo giấu tên cho biết.

Hiện tại, khu nghỉ dưỡng này đã trở thành trung tâm của cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ phát động nhằm vào những sai phạm tiềm tàng của cựu Tổng thống Trump trong khâu xử lý tài liệu mật của chính phủ.

Sau đợt khám xét chưa từng có hồi đầu tuần rồi, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện 11 bộ tài liệu, bao gồm một vài bộ chứa thông tin “nhạy cảm”, bên trong biệt thự của ông Trump ở Mar-a-Lago. Theo lệnh khám xét được thẩm phán liên bang phê chuẩn, Bộ Tư pháp Mỹ có cơ sở để triển khai chiến dịch nêu trên, cụ thể là dựa trên nghi vấn ông Trump vi phạm Đạo luật Gián điệp.

Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả là “Nhà Trắng mùa Đông”, từ lâu đã là nỗi lo đối với lực lượng an ninh quốc gia và tình báo Mỹ. Ảnh: Reuters

Thói quen phớt lờ quy tắc

Tuần rồi không phải là lần đầu tiên giới chức tình báo liên bang Mỹ lo lắng về cách cựu Tổng thống Trump lưu trữ bí mật chính phủ. Ngay khi nhậm chức, cựu Tổng thống Trump đã có những hành động cho thấy ông sẵn sàng bỏ qua quy định bảo vệ thông tin nhạy cảm.

Vào năm 2017, ông tiết lộ “một cách ngẫu hứng” về thông tin tuyệt mật liên quan đến âm mưu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đối với một nhóm chính khách Nga, trong đó có bộ trưởng ngoại giao. Thông tin mật này trước đó được Israel chia sẻ cho chính phủ Mỹ và hành động của ông Trump đã khiến cơ quan tình báo của 2 nước tức giận.

Đến năm 2018, sau khi được giới chức tình báo Mỹ báo cáo về một vụ nổ ở Iraq, ông Trump lên mạng xã hội Twitter chia sẻ bức ảnh vệ tinh tuyệt mật về cơ sở bị tấn công, bất chấp nỗi lo được giới chức Mỹ bày tỏ trước đó rằng hành động này có thể hé lộ những khả năng của Washington.

Theo các nguồn thạo tin, khi ông Trump yêu câu được giữ tài liệu mật, giới chức đôi khi lo ngại về những điều có thể xảy ra với chúng. Khi ông Trump di chuyển, trợ lý thường theo sát phía sau cùng các thùng carton mà trong đó, họ thu thập những giấy tờ bị ông Trump bỏ lại.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện 11 bộ tài liệu, bao gồm một vài bộ chứa thông tin “nhạy cảm”, bên trong biệt thự của ông Trump ở Mar-a-Lago. Ảnh: Reuters

Nỗi lo tăng lên bội phần

Tại Mar-a-Lago, nỗi lo về việc ông Trump vô tình hoặc cố ý tiết lộ bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ càng gia tăng, nhất là khi khu nghỉ dưỡng này luôn tấp nập khách mời.

Mặc dù mật vụ Mỹ có thể kiểm tra hành lý và lý lịch khách mời để đảm bảo an ninh, họ không có trách nhiệm bảo vệ tài liệu mật. Hội viên Mar-a-Lago đổ dồn về đây khi ông Trump xuất hiện với tư cách là tổng thống và những quy tắc được ban bố vào đầu nhiệm kỳ của ông nhằm chống lại hành động chụp hình trong phòng ăn không phải lúc nào cũng được tuân thủ nghiêm.

Có thể thấy rõ điều này hồi tháng 2-2017, khi ông Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật khi đó là ông Abe Shinzo. Sau khi tiệc tối bị gián đoạn bởi một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, theo các trợ lý của cựu Tổng thống Trump, ông Trump và ông Abe vào một căn phòng bí mật – được gọi là Cơ sở Thông tin nhạy cảm (SCIF) – để được cập nhật thông tin về vụ phóng.

Ông Donald Trump tiếp đón ông Abe Shinzo vào năm 2017 tại Mar-a-Lago. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, loạt ảnh được các hội viên Mar-a-Lago đăng tải trên mạng xã hội Twitter cho thấy 2 nhà lãnh đạo xem tài liệu ngay tại bàn ăn trong lúc các trợ lý làm việc trên laptop. Không lâu sau đó, một vài quy tắc mới được ban hành nhằm giới hạn số người tại Mar-a-Lago khi ông Trump đến đây.

Cựu Tổng thống Trump quay lại SCIF ở Mar-a-Lago vào mùa xuân năm 2017 để thảo luận kế hoạch triển khai một cuộc không kích ở Syria. Khi đó, ông đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bữa tiệc tối. Ông Trump sau đó cho biết ông quay lại bàn tiệc để thông báo quyết định triển khai cuộc không kích với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong lúc họ thưởng thức “chiếc bánh sô-cô-la đẹp nhất mà bạn từng thấy”.

Một trong những nỗi lo hàng đầu của trợ lý khi ông Trump đến Mar-a-Lago là họ bị đưa vào thế bị động khi không thể phân biệt chính xác người mà ông đang trò chuyện, bởi khu nghỉ dưỡng này không có quy định khắt khe về danh sách khách mời như Nhà Trắng.

Theo đài CNN, ngay cả những cố vấn cấp cao nhất của cựu Tổng thống Trump đôi khi cũng không biết chính xác người đang trò chuyện cùng ông Trump tại Mar-a-Lago.

Ông Donald Trump tiếp đón ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago vào năm 2017. Ảnh: Reuters

Hàng loạt rủi ro

Tại Mar-a-Lago, không phải lúc nào ông Trump cũng sử dụng SCIF khi xem tài liệu mật, một nguồn thạo tin cho biết thêm. Cùng với điều này, xu hướng “chia sẻ” điều ông Trump biết với người mà ông đang trò chuyện khiến các trợ lý và nhân viên an ninh không khỏi bất an.

Bảo vệ thông tin mật khỏi hội viên Mar-a-Lago là một chuyện, bảo vệ Mar-a-Lago khỏi các mối đe dọa an ninh tiềm tàng lại là vấn đề khác.

Vào năm 2019, một nữ doanh nhân 33 tuổi từ TP Thượng Hải – Trung Quốc bị bắt giữ vì xâm nhập trái phép khu nghỉ dưỡng này. Yujing Zhang bị bắt cùng 4 điện thoại, 1 laptop, 1 ổ cứng và 1 USB trên người.

Yujing Zhang bị tuyên 8 tháng tù giam vì xâm nhập trái phép khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Post

Các công tố viên cho biết họ cũng tìm thấy nhiều thiết bị điện tử, bao gồm máy dò tín hiệu để phát hiện camera ẩn, bên cạnh hàng ngàn USD tiền mặt trong phòng khách sạn của cô này.

Một công dân Trung Quốc khác, Lu Jing, cũng bị buộc tội xâm phạm Mar-a-Lago vào cuối năm đó. Các quan chức cho biết Lu được nhân viên an ninh yêu cầu rời đi trước khi quay lại khu nghỉ dưỡng này và chụp ảnh.

Động cơ của Yujing và Lu không được tiết lộ. Trong khi Lu được tuyên vô tội, Zhang bị tuyên 8 tháng tù giam.


Cao Lực