Ngày 20-5, Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức hội thảo “Cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư phổi” nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia y tế, nhà khoa học đến từ các nước, cùng thảo luận chuyên sâu về bệnh ung thư phổi.
Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Trên thế giới, ung thư phổi đang đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong.
Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức phát biểu tại hội thảo
Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Ngày nay, với tiến bộ của y học, việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của bệnh ung thư phổi đã tốt hơn. Phát hiện sớm kết hợp với điều trị kịp thời có thể mang đến cho người bệnh cơ hội hồi phục thành công.
Trong bài báo cáo của mình, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức đưa ra thống kê cho thấy bệnh ung thư phổi sẽ tiếp tục tăng theo giời gian, đến năm 2040 sẽ có 28,9 triệu người mắc và 16,2 triệu người tử vong trên toàn thế giới.
Các chuyên gia y tế, nhà khoa học đến từ nhiều nước tham gia chia sẻ tại hội thảo
Bác sĩ Vũ cho hay khám tầm soát bệnh ung thư phổi, đại trực tràng, tuyến tiền liệt còn lẻ tẻ, người dân chưa chú trọng và chưa có chương trình đồng bộ. Thêm nữa, tầm soát ung thư phổi bằng CT liều thấp hiện không được bảo hiểm chi trả, trong khi đó là một trong những phương pháp tầm soát quan trọng của bệnh này.
“Hiện hóa trị vẫn phương pháp điều trị phổ biến nhất. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi sống sau 5 năm ở Việt Nam là 14,8%” – bác sĩ Vũ thông tin thêm.