Một số ca “Covid-19 mạn tính” đã tạo nên biến chủng mới?

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Trường Đại học Emory – Mỹ và Đại học Oxford – Anh, vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Virology.

Medical Xpress dẫn lời giáo sư Daniel Weissman từ Trường Đại học Emory: “Thay vì phát triển từ các chuỗi lây truyền Covid-19 cấp tính ở hàng trăm triệu người, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các biến chủng đáng lo ngại đến từ những trường hợp hiếm hoi mà cơ thể bệnh nhân bị nhiễm trùng trong nhiều tháng”.

Hình ảnh kính hiển vi điện tử cho thấy cách SARS-CoV-2 xâm chiếm tế bào con người – Ảnh: CDC

Đó là những bệnh nhân đặc biệt, bị suy giảm miễn dịch nặng đến mức cơ thể của họ không thể tự tiêu diệt virus như chúng ta. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân nhiễm các loại siêu vi khác đều đánh bại virus bằng chính hệ miễn dịch của mình, song song với việc sử dụng các biện pháp điều trị triệu chứng.

Ở nhóm bệnh nhân đặc biệt này, Covid-19 thay vì là một bệnh siêu vi cấp tính, lại trở thành một kiểu nhiễm mạn tính. Nhóm nghiên cứu cho biết vì SARS-CoV-2 không ngừng phát triển, các đột biến không thường xuyên có thể xảy ra khi chúng nhân lên trong cơ thể người bệnh.

“Khi một con virus tự sao chép, không phải lúc nào nó cũng tạo ra những bản sao hoàn hảo” – giáo sư Weissman giải thích.

Thông thường các đột biến ngẫu nhiên không có lợi cho virus, nhưng đôi khi nó vô tình trở thành thứ gì đó khiến virus dễ lây hơn hay nguy hiểm hơn, tạo nên một “biến chủng đáng quan tâm” (VOC) mới.

Các VOC gần đây có thể kể đến là Alpha, Delta, Omicron. Rất có thể chúng đã bắt nguồn từ một bệnh nhân suy giảm miễn dịch nào đó, bị Covid-19 mạn tính. Trước đó đã có những nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những dòng “con” của virus, ví dụ như các biến chủng tái tổ hợp, cũng xuất phát từ những bệnh nhân này: chưa kịp khỏi chủng SARS-CoV-2 này đã nhiễm tiếp chủng khác.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này đưa đến một lời nhắc nhở quan trọng: Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch rất cần được phòng bệnh và điều trị tích cực hơn, bằng vắc-xin, kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị… vì sự sống của chính họ và cả lợi ích cho cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan khác nhiều lần kêu gọi sự công bằng về vắc-xin, thuốc điều trị để có thể chấm dứt sớm đại dịch – tức cung cấp bảo vệ đầy đủ đến các nước nghèo, nơi tỉ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp, thiếu thuốc điều trị, trong khi các nước giàu dư thừa.

Càng đột biến, SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh ngày càng ngắn

Nghiên cứu mới từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh – Trung Quốc dựa trên 8.100 bệnh nhân Covid-19 cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình của một bệnh nhân Covid-19 đã giảm từ 5 ngày xuống còn 3,4 ngày, kể từ khi chủng gốc ở Vũ Hán thống trị cho đến khi Omicron thống trị.

Công trình được công bố trên JAMA Network Open cho biết thời gian ủ bệnh trung bình này ngắn đi sau mỗi lần SARS-CoV-2 sinh ra một biến chủng mới.

Theo Medical Xpress, các nhà nghiên cứu khẳng định điều này cho thấy quy định cách ly 14 ngày ban đầu nên được xem xét lại ở các quốc gia cho đến nay vẫn còn áp dụng cách ly người tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Thời gian ủ bệnh ngắn đi trước đó đã được nhận thấy khi Delta xuất hiện, song song với việc giảm thời gian cách ly người tiếp xúc ở nhiều quốc gia. Thời gian ủ bệnh ngắn được cho là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh lây lan ngày càng nhanh, tuy nhiên có gây nguy hiểm cho cộng đồng nhiều hay không thì còn tùy thuộc vào độc lực của chủng virus.

Một số bệnh đường hô hấp khác cũng có thời gian ủ bệnh ngắn hơn Covid-19 nhiều: cảm lạnh thông thường do các coronavirus khác ủ bệnh trung bình 3,2 ngày, cúm ủ bệnh dưới 2 ngày, rhinovirus (nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh) chỉ có thời gian ủ bệnh khoảng 1,5 ngày.


Anh Thư