Nâng tốc độ đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận lên 90km/h là rất nguy hiểm?

Tối 14-5, đại diện Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết vào thời điểm này, việc nâng tốc độ từ 80km/h lên 90km/h trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là chưa phù hợp.

Lý do là vì tuyến cao tốc này đã mãn tải, lượng xe lưu thông quá đông (khoảng 22.000 – 23.000 xe/ngày đêm) nhưng nhiều tài xế không giữ khoảng cách an toàn nên khi nâng thêm tốc độ 10km/h là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

“Tuyến cao tốc này chưa có làn dừng xe khẩn cấp mà chỉ mới bố trí điểm dừng khẩn cấp. Một khi có sự cố xảy ra, trong lúc dời xe đến các điểm dừng khẩn cấp để chờ cứu hộ thì rất dễ xảy ra ùn tắc, thậm chí tai nạn. Do vậy, đầu tư giai đoạn 2 cho tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là việc làm cần thiết hơn thay vì nâng thêm tốc độ” – đại diện phía Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lý giải.

Trước đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã báo cáo gửi Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá tổng quan về khả năng nâng tốc độ khai thác (tốc độ tối đa cho phép) đối với đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng 3,5m từ 80km/h hiện nay lên 90km/h.

  • Cần giải pháp để tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận không bị dừng đột ngột

Theo báo cáo của Cục Đường cao tốc Việt Nam, thời gian qua, nhiều tuyến đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, sử dụng; trong đó có cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với mặt cắt ngang 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h.

Đối với 2 tuyến cao tốc đầu tư xây dựng phân kỳ 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác là Cao Bồ – Mai Sơn và Trung Lương – Mỹ Thuận, Cục Đường Cao tốc Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét nâng tốc độ tối đa cho phép tại các tuyến lên 90 km/h đối với một số loại phương tiện như ôtô con, ôtô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt).

Ôtô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn, các phương tiện còn lại giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép 80 km/h đã được phê duyệt tại phương án khai thác; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông của tuyến đường cao tốc tạm thời theo quy định.

Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe cơ giới. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối ở nút giao với Quốc lộ 30 thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Dự án khởi công năm 2009 nhưng bị ngưng trệ đến năm 2015 mới tái khởi công lần thứ 2. Năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được giao làm chủ đầu tư chính của dự án. Dự án với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỉ đồng.

Cuối tháng 4-2022, tuyến cao tốc này được khánh thành với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h. Đây là tuyến cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TP HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.


TÂM QUÂN