Ngắm diện mạo mới của Hải Vân quan

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư  và Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía TP Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện dự án. Dự án được khởi công vào cuối năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng.

Diện mạo mới của Hải Vân quan đã thành hình sau hơn 1 năm trùng tu. Trước đó di tích này không được gìn giữ và xuống cấp theo thời gian

Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 6.500m2 với tổng mức đầu tư là hơn 42 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên – Huế 50% trên tổng mức đầu tư.

Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng ngày nay.

Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, vừa hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Thành lũy này án ngữ trên con đường Thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại.

Hệ thống cửa Hải Vân quan đang được phục hồi bằng việc tháo dỡ phần gạch xây mới phía trên, thay bằng gạch vồ, làm tường bằng đá phía dưới.

Di tích này gần như bị bỏ rơi trong hơn 20 năm vì nằm trong vùng chồng lấn địa giới giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mãi đến tháng 4-2017, di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và UBND TP Đà Nẵng cùng trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích này. Hai địa phương đã thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng trong phạm vi Hải Vân Quan, trong đó có Đài kỷ niệm “Di tích chiến thắng Đồn Nhất”

Từng viên gạch, viên đá dùng để trùng tu đều được chọn lọc kỹ lưỡng

Theo đề án trùng tu, hệ thống cửa Hải Vân quan sẽ tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng năm 1826; thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường phía trên xây gạch vồ. Một số lô cốt thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ được giữ lại với mục đích kết nối lịch sử giữa các thời kỳ.

Dự án sau khi trùng tu hứa hẹn sẽ là điểm tham quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Dự kiến vào tháng 6-2023, công trình sẽ được hoàn thành


Bích Vân